Trang

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Chiến tranh VN

Chiến tranh Việt Nam (1954–1975) là giai đoạn thứ hai và là giai đoạn khốc liệt nhất của Chiến tranh Đông Dương (1945–1979). Đây là cuộc chiến giữa hai bên. Một bên là Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng một số đồng minh khác như Úc, New Zealand, Đại Hàn, Thái Lan và Philippines tham chiến trực tiếp và một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam (tên của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 11 tháng 2 năm 1951 đến trước ngày 20 tháng 12 năm 1976) lãnh đạo cùng với những người cộng sản tại miền Nam Việt Nam và sự trợ giúp từ các nước xã hội chủ nghĩa (cộng sản), đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc. Cuộc chiến này tuy gọi là "Chiến tranh Việt Nam" nhưng chiến sự lan ra toàn cõi Đông Dương, lôi cuốn vào vòng chiến cả hai nước lân cận là Lào và Campuchia ở các mức độ khác nhau. Do đó cuộc chiến còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ 2.
2.Bản chất của Chiến tranh Việt Nam
Bản chất của Chiến tranh Việt Nam rất phức tạp và đa diện tùy theo lập trường của các bên và hiện nay đang còn được tranh luận nhưng có thể rút ra một số đặc điểm sau:
Đối với các nhà lãnh đạo của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thì đây là cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, để ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản (Xem Thuyết Domino), chính phủ Mỹ đã đứng ra cáng đáng chi phí của cả cuộc chiến,có giai đoạn quân đội Mỹ đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường thay cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Theo quan điểm của những ủng hộ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà, đây là cuộc chiến bảo vệ "miền Nam tự do" trước những hành động quân sự của những người cộng sản.
Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam thì đây là cuộc chiến tranh nhằm thực hiện các mục tiêu giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ nhìn nhận cuộc chiến này là một cuộc chiến chống ngoại xâm, chống lại chủ nghĩa thực dân mới mà Mỹ áp đặt tại miền Nam Việt Nam.
Đối với đa số người Việt, sau 2000 năm chiến đấu chống các lực lượng ngoại xâm, người Mỹ đơn giản là sự hiện diện mới nhất của ngoại bang trên đất nước Việt Nam. Những người này đã góp nên sức mạnh cho phong trào dân tộc mãnh liệt do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Phong trào do Đảng Lao Động Việt Nam, với uy tín trong nhân dân đạt được từ việc đã tổ chức Mặt trận Việt Minh giành độc lập cho đất nước và kiên trì chiến đấu chống sự trở lại của chế độ thực dân Pháp, và tổ chức do đảng này thành lập là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đi tiên phong, đã đạt được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân.Trong khi đó, phía Việt Nam Cộng hòa ngày càng phụ thuộc vào viện trợ quân sự Mỹ và đã không duy trì được vai trò độc lập của họ trong con mắt của người dân (nhất là sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại) – đặc biệt là khi đa số các nhân vật lãnh đạo của họ là những người trong chính phủ Trần Trọng Kim, hình thành dưới chế độ bảo hộ của phát xít Nhật, hay đã từng làm việc cho Quốc gia Việt Nam, một chính thể bị nhiều người xem là tay sai của Pháp. Tiền thân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và các đơn vị quân chính quy và địa phương thuộc Quân đội Quốc gia Việt Nam, sau đó được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức lại theo kiểu Mỹ. Theo quan điểm của nhiều sử gia, cuộc chiến này, do đó, mang tính dân tộc rất cao: sự độc lập và thống nhất của đất nước đã trở thành yếu tố quyết định giúp những người Cộng sản thắng lợi chứ không phải là nhờ vào hệ tư tưởng hay ưu thế quân sự. Ngoài những người có cảm tình với các bên tham chiến, đại đa số người dân miền Nam không quan tâm về các hệ tư tưởng chính trị. Họ chỉ muốn được yên ổn để làm ăn.
Về quan điểm của người dân Hoa Kỳ, có hai chiều hướng chính. Một phía tin vào chính phủ và ủng hộ cuộc chiến chống Cộng của quân đội Hoa Kỳ. Phía kia cho rằng đây là cuộc chiến tranh xâm lược, chiếm đóng lên miền Nam Việt Nam để điều khiển và kiểm soát thị trường kinh tế, nhân lực, sức lao động và tài nguyên ở vùng Đông Nam Á, còn chính sách chống Cộng sản của chính phủ Mỹ theo Jonathan Neale chỉ là để phục vụ cho quyền lợi của những tập đoàn tư bản Mỹ.
Trên cục diện quốc tế đây là cuộc "chiến tranh nóng" trong lòng Chiến tranh Lạnh đang diễn ra quyết liệt lúc đó trên thế giới. Cả Liên Xô và Trung Quốc mặc dù có những xung đột sâu sắc với nhau vẫn cùng viện trợ tối đa cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống lại Mỹ.
Cuộc chiến tranh này được nhiều người phân đoạn theo các cách khác nhau: Người Mỹ thường quan niệm "Chiến tranh Việt Nam" được tính từ khi khi họ trực tiếp tham chiến trên bộ đến khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng (từ 1965 (nhiều nguồn cho là 1964 đến 1975). Có nhiều nguồn khác lại coi cuộc chiến bắt đầu từ 1960 đến 1975, tính từ khi miền Bắc bắt đầu công khai ủng hộ đấu tranh vũ trang tại miền Nam. Nhưng quan điểm chung và chính thống hiện nay của chính phủ Việt Nam vẫn coi Chiến tranh Việt Nam được tính từ 1954 đến 1975.
3.Viện trợ nước ngoài trong Chiến tranh Việt Nam
Chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại, trong khi Hoa Kỳ viện trợ ồ ạt cho Việt Nam Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn từ phía Trung Quốc, Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa khác. Viện trợ nước ngoài có vai trò và tác động to lớn đến quy mô, cường độ và hình thái chiến tranh Việt Nam.
4.Diễn biến theo thời gian
Sự phân đoạn như sau cốt chỉ để tiện tham chiếu cho các diễn biến chính trên chiến trường. Trong báo chí và các diễn đàn về Chiến tranh Việt Nam còn rất nhiều cách phân đoạn khác nhau tuỳ theo trọng điểm phân tích.
[sửa]
4.1Những di sản của Chiến tranh Đông Dương lần thứ I
Ngay từ năm 1949, sau khi Nội chiến Trung Quốc kết thúc, và sau đó là chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, giới chính khách Mỹ cảm thấy lo sợ về làn sóng Cộng sản tại các nước thế giới thứ ba. Học thuyết Đomino ra đời, theo đó Mỹ tin rằng nếu một quốc gia đi theo Chủ nghĩa cộng sản, những nước lân cận sẽ bị đe dọa. Bởi vậy, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến chống lại Việt Minh, một tổ chức họ cho là có liên hệ với Liên Xô và Trung Quốc.
Khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1954, Mỹ đã trả 80% chiến phí cho Pháp, thậm chí phi công Mỹ cũng tham gia chiến đấu cùng Pháp trong trận Điện Biên Phủ, nhưng vẫn không cứu vãn được thất bại. Sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ, Pháp đã mất hẳn ý chí tiếp tục chiến đấu giữ thuộc địa Đông Dương.. Hiệp định Genève, theo sự dàn xếp của các cường quốc, tạm thời chia Việt Nam ra thành hai khu vực cho hai phe quân sự đối địch. Miền Bắc dành cho các lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, miền Nam dành cho tất cả các lực lượng thuộc khối Liên hiệp Pháp. Vĩ tuyến 17 được xem là ranh giới, và một khu phi quân sự tạm thời được lập dọc theo hai bên bờ sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị. Quân đội hai bên phải rút về khu vực được quy định trong vòng 300 ngày. Trong thời gian chuyển tiếp đó, người dân hai miền được quyền lựa chọn nơi sinh sống là khu vực mà mình muốn và sẽ được hỗ trợ trong việc di chuyển.
Hiệp định Genève không có điều khoản nào nói về Tổng tuyển cử tự do cho việc thống nhất Việt Nam Nhưng theo Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954, tình trạng chia cắt này chỉ là tạm thời cho đến khi cuộc tổng tuyển cử tự do cho việc thống nhất Việt Nam sẽ được tổ chức vào năm tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Đồng thời Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève cũng công nhận chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Lào, Việt Nam, và ghi nhận bản Tuyên bố của chính phủ Pháp về việc sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi lãnh thổ các nước này theo yêu cầu và thỏa thuận với chính quyền sở tại. Tuyên bố này còn nói rằng các chính quyền tại hai khu vực quân sự tại Việt Nam không được cho phép các hành động trả thù đối với những người đã từng cộng tác với phía bên kia cùng gia đình họ. Không có phái đoàn nào tham dự Hội nghị Genève 1954 ký tên vào bản Tuyên bố cuối cùng..
Phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã từ chối ký và không công nhận Hiệp định Genève đồng thời ra Tuyên bố Hiệp định Genève chứa "những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt". Tuyên bố cũng yêu cầu Hội nghị ghi nhận Quốc gia Việt Nam "tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở". Phái đoàn Hoa Kỳ cũng từ chối ký và không công nhận Hiệp định Genève nhưng ra Tuyên bố nước này "sẽ coi mọi sự tái diễn của các hành động bạo lực vi phạm hiệp định là điều đáng lo ngại và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Trong Tuyên bố của mình, đối với sự chia cắt Việt Nam trái nguyện vọng của hai miền Nam - Bắc, chính phủ Mỹ cũng nêu rõ quan điểm "tiếp tục cố gắng đạt được sự thống nhất thông qua những cuộc tuyển cử tự do được giám sát bởi Liên Hiệp Quốc để bảo đảm chúng diễn ra công bằng".
Kết quả Hiệp định: Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng vừa giành được thắng lợi quan trọng trên chiến trường, tập kết về miền Bắc. Lực lượng Quốc gia Việt Nam, trong đó có những người mong muốn độc lập cho Việt Nam nhưng bác bỏ lý luận đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản của những người Cộng sản, cùng với quân đội Pháp tập kết về miền Nam. Quân đội Pháp dần dần rút khỏi miền Nam và trao quyền lực cho chính quyền Quốc gia Việt Nam. Chính quyền này từ chối hiệp thương tổng tuyển cử tự do với lý do mà Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa ra là: không thể có bầu cử tự do với những người cộng sản. Niềm tin của Tổng thống Ngô Đình Diệm bắt nguồn từ sự kiện Việt Minh đã loại tất cả các đảng phái đối lập ra khỏi cuộc bầu cử quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 6/1/1946 bằng các sắc lệnh giải tán các tổ chức đối lập, cho phép Ty Liêm phóng có thể bắt những hạng người bị quy là nguy hiểm cho nền Dân chủ Cộng hoà Việt Nam đưa đi an trí , thành lập các toà án quân sự xử những thành phần bị cho là nguy hiểm.. Cuộc tổng tuyển cử tự do cho việc thống nhất Việt Nam đã không bao giờ được tổ chức.
Như vậy, xét về quá trình tham gia của các bên tham chiến, cuộc chiến Việt Nam là bước tiếp nối để giải quyết những mục tiêu mà cả 2 bên chưa làm được trong chiến tranh Đông Dương, Việt Minh (sau này là VNDCCH) muốn giành độc lập-thống nhất cho Việt Nam, còn Hoa Kỳ tiếp tục muốn chặn đứng "làn sóng Cộng sản" tại ĐÔng Nam Á. Nhiều nhà sử học coi 2 cuộc chiến thực chất chỉ là một với tên gọi "Cuộc chiến mười ngàn ngày", giai đoạn hòa bình 1954-1959 thực chất chỉ là chặng nghỉ tạm thời.
4.2Giai đoạn 1954–1959
Mỹ không công nhận kết quả Hiệp định Genève và thấy trước kết quả sẽ thiên về những người Cộng sản nếu tổng tuyển cử được thi hành. Tổng thống Mỹ Eisenhower tin rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành., Mỹ bắt đầu các hoạt động tại Việt Nam, chuẩn bị cho sự can thiệp sâu rộng hơn. Năm 1954, đội bán quân sự của Mỹ do Edward Lansdale, người của CIA và đã làm cố vấn cho Pháp tại Việt Nam từ 1953, chỉ huy đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền tâm lý chiến để kêu gọi và vận động dân chúng miền Bắc di cư vào Nam; chọn và gửi người Việt tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương để huấn luyện; huấn luyện các lực lượng vũ trang của Quốc gia Việt Nam (sau là Việt Nam Cộng hòa); xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại Philippines; bí mật đưa một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự vào Việt Nam; phát triển các kế hoạch "bình định Việt Minh và các vùng chống đối".
Trong khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ chối hiệp thương tổng tuyển cử tự do và ra sức củng cố quyền lực, đàn áp khốc liệt những người cộng sản còn lại ở miền Nam bằng những chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng", miền Bắc vẫn chuẩn bị cho tổng tuyển cử và cố gắng theo đuổi các giải pháp hòa bình. Hà Nội tìm kiếm hỗ trợ quốc tế, kêu gọi các đồng chủ tịch hội nghị Genève, nhắc nhở Pháp về trách nhiệm đối với hiệp định. Tháng 7 năm 1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, Hà Nội yêu cầu các đồng chủ tịch hội nghị Genève tổ chức một cuộc hội nghị mới, yêu cầu này lại được lặp lại vào tháng 8. Các yêu cầu đàm phán với chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục được gửi vào tháng 6 và tháng 7 năm 1957, tháng 3 và tháng 12 năm 1958, tháng 7 năm 1959, và tháng 7 năm 1960, nhưng đều bị từ chối. Trong khi tiến trình yêu cầu và từ chối đàm phán vẫn tiếp diễn, miền Bắc còn cố tái lập quan hệ thương mại với miền Nam, để giúp "nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân." Nhưng cũng như vấn đề bầu cử, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thậm chí còn từ chối cả việc thảo luận.
Về quân sự, nhìn chung, trong giai đoạn 1954-1959 quân đội Việt Nam Cộng hòa giữ ưu thế trên chiến trường miền Nam. Nhưng đến cuối năm 1959 tình hình an ninh quân sự của miền Nam đã có những bất ổn, lực lượng Cộng sản ở miền Nam đã phát động chiến tranh du kích khắp nơi. Tình hình chính trị trở nên xấu đi vì các đường lối của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Tháng 9 năm 1960, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ủng hộ các hoạt động đấu tranh vũ trang và chính trị của những người Cộng sản miền Nam. Đến thời điểm này, sự căng thẳng của lực lượng Cộng sản miền Nam đã lên đến mức mà nếu chính phủ Hà Nội không ủng hộ thì họ có thể mất ảnh hưởng của mình đối với các sự kiện sẽ xảy ra ở phía Nam vĩ tuyến 17. Năm 1960 trở thành một năm có biến động lớn, mở ra một giai đoạn mới của Chiến tranh Việt Nam.
4.2.1 Miền Bắc
Tại miền Bắc, những người Cộng sản ngay lập tức bắt tay vào việc tổ chức đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa như ở các nước Liên Xô, Trung Quốc. Các chiến dịch cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư bản tư doanh đã san bằng các thành phần xã hội, xóa bỏ các giai cấp địa chủ và tư bản, không cho phép các chính kiến đối lập với Đảng Cộng sản. Đời sống xã hội dựa trên nguyên tắc kỷ luật hóa cao độ, các quyền tự do chính trị và các tổ chức bị hạn chế đến mức chỉ còn là hình thức trong một "nhà nước-đảng". Xã hội nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc sống quân sự hóa toàn diện khi "mỗi người dân đều là một chiến sĩ".
Quân đội Nhân dân Việt Nam được tổ chức lại, nhất là về mặt chính trị để bảo đảm trung thành tuyệt đối với Đảng. Việc hiện đại hóa quân đội được tiến hành nhưng chậm và không đồng bộ, nhiều sư đoàn bộ binh được thành lập thêm nhưng vẫn mang tính bộ binh đơn thuần, hoả lực thiếu, yếu và chắp vá. Quân đội chưa có các quân binh chủng kỹ thuật cao như không quân, radar...; hải quân, tăng thiết giáp còn đang trong quá trình sơ khai; phương tiện vận tải, thông tin liên lạc còn yếu kém. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế kém phát triển của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời sự hạn chế nguồn viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc. Nhưng cũng chính vào giai đoạn này miền Bắc đã bí mật cho tiến hành phát triển tuyến đường tiếp vận chiến lược: Đường Trường Sơn – còn được gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh. Đây sẽ là một tuyến vận chuyển chiến lược đảm bảo nhu cầu chiến tranh sẽ được mở rộng tại miền Nam sau này. Mặc dù vào lúc đó, tuyến đường này vẫn chỉ là các lối mòn trong rừng cho giao liên và các toán cán bộ vào Nam.
Nhìn chung, các nỗ lực tranh đấu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thời kỳ này là đấu tranh chính trị và ngoại giao để đòi tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève, mà nếu nó xảy ra có lẽ các lãnh tụ cộng sản sẽ có ưu thế. Miền Bắc ở giai đoạn này đang tích luỹ nhưng chưa đủ khả năng để tiến hành chiến tranh tại miền Nam.
4.2.2 Miền Nam
Ở miền Nam, với sự trợ giúp tích cực của Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm – được bổ nhiệm làm thủ tướng và trở thành tổng thống sau một cuộc trưng cầu ý dân bị tố cáo là gian lận ngày 23 tháng 10 năm 1955 – đã nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, xã hội. Chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ lớn cho Việt Nam Cộng hòa và đã đạt được một số thành quả quan trọng: kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, tái định cư, đời sống của dân chúng khá sung túc... Với ảnh hưởng tuyệt đối của mình, Hoa Kỳ đòi hỏi chính phủ Việt Nam Cộng hòa phải xây dựng một lãnh thổ phi cộng sản, độc lập, tự do theo tiêu chuẩn Mỹ và sẵn sàng đương đầu với miền Bắc.
Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm nhanh chóng thanh lọc bộ máy cầm quyền, đưa những người trung thành với ông vào các vị trí quan trọng trước kia vẫn dành cho người Pháp. Nhà nước Việt Nam Cộng hòa, lúc đó mang biểu hiện của hình thức tập quyền, chính trị của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các đặc tính cá nhân của Tổng thống và gia đình ông. Quân đội Việt Nam Cộng hòa được cấp tốc trang bị và huấn luyện với sự giúp đỡ của các cố vấn Hoa Kỳ. Quân lực Việt Nam Cộng hòa, vào thời điểm đó, về trang bị, trình độ huấn luyện được xem là đứng đầu khu vực Đông Nam Á, vượt trội hơn Quân đội Nhân dân Việt Nam - đang là đối thủ tiềm tàng ở miền Bắc.
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng tiến hành các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, liên gia phòng vệ, dồn dân lập ấp chiến lược... một cách quyết liệt không tính đến các đặc điểm tâm lý và quyền lợi của dân chúng cũng như hoàn cảnh lịch sử Việt Nam. Trong thời gian từ 1955 đến 1960 – ít nhất là có 24.000 người bị thương, 80.000 bị hành quyết hay bị ám sát, 275.000 người bị cầm tù, thẩm vấn hoặc với tra tấn hoặc không, và khoảng 500.000 bị đưa đi các trại tập trung.. Điều này đã làm biến dạng mô hình xã hội, suy giảm niềm tin của dân chúng vào chính thể của Tổng thống Ngô Đình Diệm và đẩy những người kháng chiến cũ vào rừng lập chiến khu.
Về mặt tôn giáo, chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm được lực lượng Công giáo ủng hộ mạnh ở thành thị và bộc lộ nhiều tính thiên vị Công giáo kể cả trong cơ cấu bộ máy chính quyền. Mặc dù vậy, phần lớn người Việt ở miền Nam vẫn giữ truyền thống theo đạo Phật. Mâu thuẫn vì tôn giáo sau này cũng trở thành một trong những động lực khởi phát cuộc đảo chính của Quân lực Việt Nam Cộng hòa chống lại Tổng thống Diệm vào tháng 11 năm 1963.
4.2.3 Lực lượng cộng sản ở miền Nam
Hệ thống những người Cộng sản ở miền Nam Việt Nam là bộ phận cấu thành của những người Cộng sản của toàn Việt Nam, nhưng mang một số đặc điểm riêng do ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, văn hóa. Trong giai đoạn này, tổ chức của họ là Trung ương Cục miền Nam, đã có các đối sách hợp lý, gây khó khăn cho chính phủ của Tổng thống Diệm. Từ chỗ bị truy lùng ráo riết mà chỉ trong hai năm họ không những hồi phục về tổ chức mà còn phát triển thế chủ động tấn công cả về chính trị và về quân sự. Về chính trị, họ đã làm chính quyền lao đao bằng các cuộc đấu tranh chính trị rầm rộ ở nông thôn và thành thị do họ chỉ đạo từ xa. Về quân sự, họ đã phát triển chiến tranh du kích và đã đánh được những trận lớn như trận Tua Hai (Tây Ninh) vào căn cứ cấp trung đoàn của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chiến thuật này đã phát huy tác dụng làm hạn chế được sức mạnh quân sự của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, do thiếu thốn về cơ sở vật chất và hệ thống nhân lực, lực lượng Cộng sản ở miền Nam tồn tại, chung sống một cách "hòa bình", đan xen với bộ máy chính quyền địa phương của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
4.3 Giai đoạn 1960–1965
Giai đoạn 1960–1965 là giai đoạn miền Bắc công khai hậu thuẫn Cộng sản miền Nam và bắt đầu đem quân thâm nhập miền Nam. Các lực lượng Cộng sản miền Nam thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam. Trong khi đó, Hoa Kỳ giúp Việt Nam Cộng hòa tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt. Tuy nhiên, quân Giải phóng vẫn thắng thế trên chiến trường, đánh những chiến dịch lớn sát các đô thị. Tổng thống Ngô Đình Diệm không kiểm soát nổi khủng hoảng chính trị và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng đảo chính. (Một số tài liệu của cả hai bên cho rằng chính Mỹ đã bật đèn xanh cho cuộc đảo chính này). Việt Nam Cộng hòa sau đó đã rơi vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo.
4.3.1 Bối cảnh quốc tế
Thập niên 1960 là thời kỳ nở rộ của khối XHCN và đã xuất hiện mầm mống chia rẽ giữa hai cường quốc hàng đầu trong khối là Liên Xô và Trung Quốc về các vấn đề tư tưởng, đường lối cách mạng. Nhất là từ khi Liên Xô rút hết các cố vấn khỏi Trung Quốc sau năm 1960.
Tại Liên Xô và Đông Âu hình thức kinh tế tập trung và kế hoạch hóa đang phát huy các mặt tích cực của nó. Liên Xô tập trung mọi nguồn lực, bất chấp hậu quả sau này, cố đạt cho bằng được những chỉ tiêu kinh tế, chính trị được cho là ưu thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa để tranh đua với Hoa Kỳ vai trò lãnh đạo thế giới. Việc phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người (Sputnik 1) và đưa người đầu tiên vào vũ trụ (Yuri Gagarin) là biểu tượng của một siêu cường đang thắng thế. Liên Xô và Hoa Kỳ - hai kẻ thù tư tưởng - sẵn sàng đối chọi nhau ở mọi vấn đề quốc tế. Và Việt Nam là nơi mà hai phe muốn phô trương sức mạnh của mình.
Liên Xô tuy đã có vũ khí nguyên tử từ năm 1949[78] nhưng ưu thế quân sự của Hoa Kỳ vẫn áp đảo. Do đó Liên Xô vẫn e ngại sự quá căng thẳng với Hoa Kỳ và chỉ viện trợ cho miền Bắc ở mức đủ để xây dựng một "chủ nghĩa xã hội" cho đến thời điểm này.
Trong thập niên 1960 quan điểm của Liên Xô về chiến tranh Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Từ quan điểm cùng chung sống hòa bình của Nikita Khrushchev trong chính trị quốc tế, nghĩa là phía Liên Xô muốn có sự chung sống giữa hai nhà nước Việt Nam và thống nhất thông qua trưng cầu dân ý với sự giúp đỡ quân sự hạn chế đến ủng hộ đấu tranh vũ trang làm cách mạng bằng bạo lực của Leonid Brezhnev với viện trợ quân sự to lớn cho miền Bắc Việt Nam. Khi Khrushchev bị hạ bệ, Leonid Brezhnev lên thay, ban đầu chính sách của Liên Xô vẫn giữ nguyên nhưng đến đầu năm 1965, tân thủ tướng Liên Xô, Kosygin, thăm Bắc Kinh, Hà Nội, Bình Nhưỡng nhằm hai mục đích hàn gắn quan hệ Xô – Trung và ngăn chặn hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam.
Trong chuyến thăm Hà Nội, tháp tùng Kosygin có các chuyên viên tên lửa. Và ngày 10 tháng 2 năm 1965, Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp ước hỗ trợ kinh tế và quân sự Việt - Xô. Từ đây sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô cho miền Bắc ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Việt Nam.
Đến thời điểm này cách tiếp cận của họ đã khác: viện trợ cho miền Bắc Việt Nam nhiều hơn. Đây cũng là thời kỳ Quân đội Nhân dân Việt Nam được hiện đại hóa mạnh mẽ, trang bị lại với vũ khí mới kể cả các vũ khí hạng nặng, các binh chủng kỹ thuật ra đời để đáp ứng chiến tranh hiện đại: không quân, radar, tên lửa phòng không... Quân đội miền Bắc liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận lớn với giả định đánh quân đổ bộ đường không và chống xe tăng Mỹ.
Đầu năm 1961, Tổng thống Kennedy gửi 400 cố vấn quân sự đến miền Nam Việt Nam. Điều này Trung Quốc lo ngại, Ban lãnh đạo Trung Quốc có hai quan điểm khác nhau. Mao Trạch Đông ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của Việt Nam còn Chu Ân Lai thì muốn sử dụng biện pháp ngoại giao, chính trị cùng với chiến thuật du kích và hoạt động bí mật ở miền Nam.
Thập niên này đang có tranh cãi trong phe xã hội chủ nghĩa giữa những người thuộc "phe xét lại" (Nikita Sergeyevich Khrushchyov và Liên Xô) và những người "Marxist-Leninist chân chính" (Mao Trạch Đông và Trung Quốc) và các biện pháp cách mạng ở thế giới thứ ba bằng hòa bình hay bằng bạo lực cách mạng
Trung Quốc, lúc đó đang cạnh tranh vai trò lãnh đạo phe Xã hội chủ nghĩa với Liên Xô, cũng không muốn vai trò của mình kém hơn đối thủ cùng tư tưởng. Họ viện trợ cho miền Bắc, trong giai đoạn này, còn nhiều hơn Liên Xô. Họ khuyến khích miền Bắc chiến đấu giải phóng miền Nam mà không sợ quân đội Mỹ tham chiến. Cả Liên Xô và Trung Quốc đảm bảo nếu Hoa Kỳ đánh ra miền Bắc thì họ sẽ can thiệp bảo vệ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mùa hè 1962, Trung Quốc gửi cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa súng đạn đủ để trang bị cho 200 tiểu đoàn. Trung Quốc đồng ý gửi tình nguyện quân vào Bắc Việt Nam nếu quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 17. Tính từ 1956 đến 1963, Trung Quốc đã chuyển cho miền Bắc số lượng vũ khí trị giá khoảng 320 triệu nhân dân tệ. Tháng 12-1964, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc thăm Hà Nội và ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác quân sự Việt-Trung. Lúc đầu Trung Quốc hứa gửi phi công sang miền Bắc Việt Nam, nhưng sau đó họ rút lại vì lo ngại ưu thế hơn hẳn của không quân Mỹ. Sau đó một số lượng đáng kể nhân viên quân sự Trung Quốc được gửi sang miền Bắc, bắt đầu từ tháng 6 năm 1965. Mao Trạch Đông sử dụng cuộc chiến Việt Nam khơi gợi tinh thần chống đế quốc trong nhân dân Trung Quốc để chống lại những người theo "phe xét lại" trong bộ máy và để bảo đảm vị trí của ông trong lịch sử. Đây là mục đích chính của chiến dịch "Ủng hộ Việt Nam và chống Mỹ" tại Trung Quốc.
Hoa Kỳ cũng quyết tâm không bỏ cuộc tại Nam Việt Nam. Năm 1964, Mỹ bắt đầu chuyển hướng sự chú ý từ miền Nam hướng ra miền Bắc và tuyên bố sẽ không chấp nhận việc tăng chuyển quân và vũ khí từ miền Bắc vào Nam[83]. Hoa Kỳ tăng cường can thiệp vào chiến tranh Việt Nam và tháng 2 năm 1965 không quân Mỹ oanh kích miền Bắc. Để đối phó với sự gia tăng chiến tranh của Mặt trận Giải phóng miền Nam, Hoa Kỳ giúp Việt Nam Cộng hòa tiến hành chiến tranh đặc biệt và tăng cường viện trợ kinh tế cũng như quân sự.
4.3.2 Chiến trường miền Nam
Từ năm 1960, với chủ trương "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội" của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, quân Giải phóng ở chiến trường miền Nam phát động liên tiếp các đợt tiến công quy mô kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang mà cao trào là phong trào Đồng khởi. Phong trào này gây cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm lúng túng trong việc lập lại trật tự, dẫn đến một phần đáng kể của nông thôn miền Nam đã thành vùng do Mặt trận Giải phóng kiểm soát (cuối năm 1960). Theo số liệu được ghi trong Sách giáo khoa lịch sử hiện hành[cần dẫn nguồn] thì cuối năm 1960, quân Giải phóng Miền nam đã kiểm soát 600/1298 xã ở Nam Bộ, 904/3829 thôn ở đồng bằng ven biển Trung bộ và 320/5721 thôn ở Tây Nguyên.
Nhân đà thắng lợi, ngày 20 tháng 12 năm 1960 những người cộng sản miền Nam thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam gồm nhiều đại diện các thành phần tôn giáo, tầng lớp xã hội, dân tộc khác nhau do những người cộng sản lãnh đạo. Quân Giải phóng Miền Nam cũng được thành lập ngay sau đó, ngày 15 tháng 2 năm 1961, theo nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Quân uỷ Trung ương Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đứng trước tình hình trên, tướng Maxwell D. Taylor được phái sang Việt Nam để hành động gấp giúp Việt Nam Cộng hòa đẩy lùi phía cộng sản. Kế hoạch Staley-Taylor (hay chiến tranh đặc biệt) với việc sử dụng chủ yếu quân lực Việt Nam Cộng hòa đã được trang bị bằng vũ khí tối tân do Mỹ cung cấp và thực hiện các kế hoạch quân sự do cố vấn Mỹ tư vấn. Nhà nước Hoa Kỳ cũng tăng thêm nguồn viện trợ kinh tế cho chính phủ Ngô Đình Diệm nhằm tăng quân số và tiêu dùng cho các chi phí quân sự. Với khả năng cơ động cao, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã giành được những thắng lợi nhất định. Đồng thời, chính phủ Việt Nam Cộng hòa thắt chặt chính sách Ấp chiến lược nhằm cách ly quân Giải phóng với dân chúng.
Về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lực lượng Quân Giải phóng miền Nam trong thời điểm này được xem là không còn đủ để đáp ứng tình hình do chiến tranh mở rộng về quy mô và số lượng. Vì vậy, binh sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Bắc đã hành quân vào Nam theo đường mòn Trường Sơn để tăng cường cho Quân Giải phóng. Tuy nhiên, trong thời kỳ 1960-1965 các đơn vị từ miền Bắc vào chủ yếu đứng chân vòng ngoài tại tuyến đường Trường Sơn, Tây Nguyên để xây dựng các căn cứ quân sự phục vụ chiến sự sau này.
Sau gần hai năm đối phó với chiến tranh đặc biệt, Quân Giải phóng miền Nam đã đúc kết kinh nghiệm đối phó với chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Điều này đã tạo ra thắng lợi cho họ trong trận Ấp Bắc (ngày 2 tháng 1 năm 1963 tại tỉnh Tiền Giang). Trong các năm 1963 và 1964 Quân Giải phóng miền Nam thắng thế tiến công trên toàn chiến trường và đến tháng 12 năm 1964 họ tiến hành chiến dịch Bình Giã tại tỉnh Bà Rịa làm thiệt hại các chiến đoàn thiết giáp cơ động và các đơn vị dự bị chiến lược của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Quân đội Việt Nam Cộng hòa trở nên yếu thế buộc phải lui về thế thủ gần các thành phố lớn.
Ngày 8 tháng 5 năm 1963 xảy ra sự kiện Phật đản tại Huế, bắt nguồn từ sự kỳ thị tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm. Sự kiện này đã làm chấn động trên toàn thế giới, cũng như đã tạo ra phong trào phản đối sự lộng hành gia định trị của chính phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự chỉ huy của tướng Dương Văn Minh và sự im lặng không phản đối của Hoa Kỳ, đã làm đảo chính lật đổ, giết chết hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và xử bắn ông Ngô Đình Cẩn.
Ngay sau đó chính quyền Việt Nam Cộng Hòa rơi vào khủng hoảng lãnh đạo trầm trọng và chỉ ổn định lại khi Hội đồng lãnh đạo Quốc gia, đứng đầu bởi hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, lên chấp chính (tháng 6 năm 1965). Tháng 6 năm 1965, trước các thất bại liên tiếp trên chiến trường và tình hình chính trị rối loạn tại Việt Nam Cộng hòa, chính phủ Hoa Kỳ quyết định huỷ bỏ kế hoạch Staley-Taylor và đưa quân đội Hoa Kỳ sang trực tiếp tham chiến để giữ miền Nam khỏi rơi vào tay lực lượng cộng sản.
Giữa giai đoạn khủng hoảng chính trị đó, giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa vẫn có tham vọng Bắc tiến để thống nhất Việt Nam. Ngày 14 tháng 7 năm 1964, người đứng đầu chính phủ là tướng Nguyễn Khánh công khai tuyên bố Bắc tiến. Hai ngày sau, tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng khẳng định Không lực Việt Nam Cộng hòa đã sẵn sàng.Nhưng kế hoạch này đã bị Washington bác bỏ và nó không bao giờ trở thành sự thực.
4.4 Giai đoạn 1965–1968
Đây là giai đoạn ác liệt nhất của Chiến tranh Việt Nam mà người Mỹ gọi là Chiến tranh cục bộ. Ngay tên gọi "chiến tranh cục bộ" đã cho thấy tính phức tạp rất dễ bùng nổ của tình hình mà Tổng thống Lyndon B. Johnson phải giải quyết. Một mặt quân đội Hoa Kỳ phải can thiệp vũ trang nhằm quét sạch lực lượng Quân Giải phóng; mặt khác, họ phải kiềm chế chiến tranh trong phạm vi Việt Nam, không để nó lan ra ngoài vòng kiểm soát, đụng chạm đến khối Cộng sản để có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh như Chiến tranh Triều Tiên. Chính phủ Hoa Kỳ đã thành công trong việc kiềm chế, nhưng việc đó làm họ không thành công trong mục tiêu bình định lực lượng Quân Giải phóng. Các đồng minh lớn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Liên Xô, Trung Quốc cũng quyết tâm theo đuổi giúp cho nước này chiến đấu chống Hoa Kỳ. Họ thấy đây là cơ hội rất tốt để làm Hoa Kỳ sa lầy tại Việt Nam. Trong lúc đó, các cường quốc này vươn lên và tranh chấp ngôi vị lãnh đạo thế giới.
Việc các lực lượng quốc gia hoan nghênh đưa quân đội Hoa Kỳ vào miền Nam Việt Nam đã phần nào đẩy lui lực lượng cộng sản và mở ra một hy vọng chiến thắng nhưng, đồng thời, từ đó chính phủ Việt Nam Cộng hòa luôn phải tham khảo ý kiến của đồng minh Hoa Kỳ trước khi ra quyết định. Họ hiếm khi đưa ra chính sách lớn, họ còn thậm chí không được tham khảo ý kiến về quyết định của Mỹ năm 1965 đưa một lực lượng lớn quân vào tham chiến trên bộ.
4.4.1 Sự leo thang chiến tranh của Hoa Kỳ
Chính vì những tế nhị chính trị như vậy nên sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đã diễn ra theo cách leo thang dần. Đầu tiên họ cho rằng không cần tham chiến vẫn có thể giải quyết chiến tranh nếu ngăn chặn được nguồn tiếp tế của miền Bắc. Hoa Kỳ ra sức ép nếu miền Bắc không chấm dứt tiếp tế cho Quân Giải phóng miền Nam thì sẽ phải đối mặt với việc bị ném bom. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bất chấp sức ép của Hoa Kỳ và tiếp tục tiếp tế vào miền Nam. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8 năm 1964 dẫn tới việc Quốc hội Hoa kỳ đã uỷ nhiệm cho chính phủ Hoa Kỳ tiến hành mọi hoạt động chiến tranh nếu thấy cần thiết mà không cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Ngay sau đó, Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc ném bom miền Bắc. Để duy trì việc ném bom, Hoa Kỳ phải đưa máy bay và lính không quân vào các sân bay tại miền Nam, lập các căn cứ tại đó. Điều này dẫn đến việc Quân Giải phóng tiến công các sân bay.
Để bảo vệ các căn cứ trong sân bay, Hoa Kỳ cần gửi thêm thủy quân lục chiến. Sau đó lại xuất hiện vấn đề phải phòng thủ từ xa và, cuối cùng, là phải tìm-diệt đối phương sâu trong các căn cứ của họ. Thế là quân Mỹ đã dần dần trực tiếp đánh thay cho Việt Nam Cộng hòa, và quân đội của quốc gia này dần dần chỉ còn là lực lượng giữ an ninh tại các vùng họ kiểm soát.
4.4.2 Miền Bắc và chiến tranh không quân
Bắt đầu từ tháng 8 năm 1964 miền Bắc đã phải đối phó với chiến tranh trên không rất ác liệt của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ. Đầu tiên là chiến dịch Mũi Tên Xuyên (Pierce Arrow) ngày 5 tháng 8 năm 1964, hành động trả đũa sự kiện Vịnh Bắc Bộ do máy bay của Hải quân Mỹ thực hiện, đánh phá các căn cứ hải quân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Hòn Gai). Tại Bãi Cháy, bộ đội cao xạ phòng không đã chủ động đánh trước khi máy bay Mỹ oanh kích. Hai máy bay Mỹ loại A-4 Skyhawk bị bắn rơi. Phi công Mỹ Everett Alvarez nhảy dù xuống biển đã bị dân chài bắt sống, trở thành người tù binh Mỹ đầu tiên trong Chiến tranh Việt Nam. Tiếp đến là chiến dịch Sấm Rền đầu năm 1965 đánh phá các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào, sau đó chiến tranh không quân lan rộng ra toàn miền Bắc Việt Nam. Để đề phòng các phản ứng của quốc tế, Không quân Mỹ chỉ chừa lại nội thành hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng mà thôi. Chiến tranh không quân nhắm vào hệ thống đường xá giao thông và các mục tiêu công nghiệp, quân sự. Thậm chí các trạm biến thế điện nhỏ, các nhánh đường sắt phụ cũng bị đánh. Bị đánh phá nặng nhất là tại khu vực hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, là cuống họng tiếp tế vào Nam, và tại khu vực Vĩnh Linh giáp sông Bến Hải - nơi dân chúng phải sống trong địa đạo.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thoả thuận với chính phủ Trung Quốc đưa một bộ phận quân đội Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam đóng ở những vị trí quan trọng về chiến lược như tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên và dọc đường Quốc lộ 1 đến phía nam Hà Nội, vừa để giúp Việt Nam làm đường vừa để thị uy với Hoa Kỳ đừng mang quân đổ bộ ra Bắc vì sẽ phải đánh nhau với quân Trung Quốc. Tổng số quân Trung Quốc đã có mặt tại miền Bắc từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 3 năm 1973 là gần 320.000 người. Tại mỗi thời điểm, đông nhất có khoảng 130.000 người, bao gồm các đơn vị tên lửa đất đối không, pháo phòng không, các đơn vị công binh làm đường, dò mìn, và vận tải.
Việc ném bom miền Bắc khó có thể đánh sụp được tiềm lực chiến tranh của miền Bắc vì xã hội miền Bắc là xã hội nông nghiệp lạc hậu không có nhiều các mục tiêu công nghiệp lớn. Mọi nguồn lực chiến tranh được các nước Xã hội Chủ nghĩa bên ngoài cung cấp. Ở điều kiện miền Bắc Việt Nam, chiến tranh không quân sẽ chỉ có tác dụng lớn nếu như nó đánh gẫy được ý chí của nhân dân miền Bắc.
Cuộc sống của người dân miền Bắc đã khó khăn lại càng căng thẳng, ngay cả bộ đội cũng bị thiếu ăn. Ở thành thị, dân chúng phải tản cư về nông thôn để tránh bom, nhu yếu phẩm cho dân thành thị được bán theo chế độ tem phiếu rất nghiêm ngặt. Ở nông thôn, ngoài số thực phẩm tối thiểu được để lại để nuôi sống gia đình, tất cả các nông phẩm phải đưa hết vào kho cho nhu cầu quốc phòng. Nông thôn vắng bóng nam thanh niên. Nữ thanh niên vừa lao động sản xuất vừa phải tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ trật tự và tham gia huấn luyện quân sự, bắn máy bay. Chính phủ đã huy động hàng vạn nữ thanh niên đi Thanh niên xung phong sinh hoạt tập trung như bộ đội vào tuyến lửa tại các tỉnh bị đánh phá nặng nề nhất như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và vào tuyến đường Trường Sơn, sang Lào để làm nhiệm vụ hậu cần, làm đường và đảm bảo giao thông. Số này bị thương vong vì bom đạn và bệnh tật rất nhiều.
Để bảo đảm dân số và tôn trọng tín ngưỡng người Việt là để lại con cháu nối dõi tông đường, người ta cố gắng tạo điều kiện cho thanh niên lấy vợ sớm trước khi nhập ngũ. Nhà nước tìm mọi cách nâng cao tinh thần của dân chúng cho kháng chiến. Tất cả mọi người đều phải tham gia các tổ chức quần chúng của Đảng Lao động Việt Nam như Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, Hội phụ lão, Hội phụ nữ, Hội vợ chiến sĩ, Hội mẹ chiến sĩ... các hội này thực hiện các chỉ thị của Đảng để giữ vững tinh thần và niềm tin trong dân chúng và thi hành các đường lối của Đảng trong dân. Những tin tức ác liệt của chiến trường, số thương vong nặng nề ở miền Nam và chết bom ở miền Bắc không được công bố hoặc với số lượng giảm đi rất nhiều, chủ yếu trên thông tin báo đài là các tin chiến thắng lẫy lừng. Nhân dân miền Bắc còn được phổ biến đời sống kinh tế tại miền Nam rất tồi tệ, nhân dân miền Nam đang đói khổ rên xiết dưới ách cai trị tàn bạo của "Nguỵ quyền".
Người ta cố gắng xây dựng và nhân rộng các điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cách đưa những người có chiến công thật đi tuyên truyền, kể chuyện chiến thắng, chưa có chiến công thì hư cấu thành chiến công. Ngành nào, địa phương nào cũng phải có chiến công anh hùng cách mạng. Nói tóm lại toàn bộ hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được huy động tối đa và có hiệu quả để phục vụ các mục tiêu chính trị và quân sự của Đảng và Nhà nước. Các nhà báo Pháp nhận xét: "Mọi lối sống cá nhân đều biến mất để cùng xây dựng một cố gắng tập thể tuyệt vời, điều hành bởi một bộ máy thống nhất và quy củ". Nói chung, tinh thần của người dân miền Bắc vẫn cao, họ vẫn có thể chấp nhận hy sinh cao hơn nữa để giành được thắng lợi cuối cùng.
Lực lượng phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể đua tranh với Không quân và Hải quân Hoa Kỳ nên họ chỉ dồn sức bảo vệ các mục tiêu thật quan trọng như Hà Nội, Hải Phòng, các thành phố lớn, các điểm giao thông quan trọng và các nơi máy bay địch hay qua lại nhiều. Những nơi còn lại được phân cho các lực lượng dân quân tự vệ trang bị pháo và súng máy phòng không đảm trách. Đến năm 1965, lực lượng phòng không của miền Bắc có trang bị khá hiện đại do Liên Xô cung cấp, gồm nhiều trung đoàn pháo phòng không các tầm cỡ điều khiển bằng radar. Hệ thống radar cảnh giới và dẫn đường cho không quân. Hệ thống tên lửa phòng không và không quân tiêm kích. Các lực lượng phòng không không quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu khá sáng tạo, vô hiệu hóa được các thủ thuật chiến tranh điện tử và chống trả quyết liệt với Không quân và Hải quân Hoa Kỳ.
4.4.3 Các chiến dịch tìm-diệt
Ngay sau khi quân đội Hoa Kỳ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam tình hình chiến sự thay đổi có lợi cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Quân Giải phóng miền Nam bị đẩy lui vào thế thủ, bị không quân và kỵ binh bay của Mỹ truy đuổi. Các đơn vị lớn phải rời bỏ vùng đồng bằng trống trải để lui về miền núi và nơi có rừng. Ở đồng bằng họ chỉ để lại các đơn vị nhỏ và phát động chiến tranh nhân dân đánh du kích. Tướng Edward Lansdale đề xuất một ý kiến, cho rằng nếu như có thể thắng được trái tim, lòng dân thì cộng sản sẽ không có chỗ để trốn nhưng kế hoạch đã thất bại và dẫn đến việc dùng chất độc màu da cam và chính sách tìm-diệt.
Tháng 11 năm 1965 đã xảy ra một trận đánh rất ác liệt tại vùng thung lũng sông Ia Drang, gần biên giới Campuchia thuộc tỉnh Kon Tum. Một trung đoàn chính quy Quân Giải phóng miền Nam và một lữ đoàn thuộc Sư đoàn 1 Kỵ binh bay của Mỹ đã dàn quân đánh nhau để thử sức. Thực chất đây là hai trận đánh liên tiếp, trận Xray và trận Albany, diễn ra trong bốn ngày đêm. Mỗi bên thắng một trận, hai bên đều bị thương vong nặng, và tuy cùng tuyên bố thắng lợi, đều biết được thực lực đối phương là đáng gờm. Sau trận này phía quân Giải phóng nhận thức được ưu thế áp đảo quân sự của quân Mỹ. Phía Mỹ có hoả lực cực mạnh và tổ chức chiến đấu hoàn hảo. Đặc biệt có yểm trợ không quân rất hiệu quả mà vũ khí khủng khiếp nhất của họ là máy bay B52, bom napal và trực thăng vũ trang, nên từ đó Quân Qiải phóng miền Nam bỏ tham vọng đánh tiêu diệt các đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn; họ tránh đánh những trận dàn quân xung phong mà chỉ áp dụng chiến thuật đánh tập kích. Quân của họ luôn bám sát những toán quân Mỹ nhưng không giao chiến, chỉ khi đối phương dựng trại nghỉ ngơi hoặc sơ hở thì họ tập kích hoặc phục kích, đánh xong nhanh chóng rời chiến trường. Một khi xung phong thì luôn áp sát đánh gần để không cho đối phương sử dụng pháo binh và không quân. Dù rất hiện đại nhưng quân đội Mỹ không quen chiến đấu trong địa hình rừng núi quen thuộc của đối phương, nơi mà vũ khí của họ không phát huy hết tác dụng. Quân Mỹ "tìm-diệt" nhưng chẳng thấy địch đâu tuy bất cứ lúc nào họ cũng có thể xuất hiện.
Trong hai năm 1966 và 1967 chiến sự giữa hai bên diễn ra chủ yếu tại miền Đông Nam Bộ, nơi có các căn cứ và kho tàng lớn của quân Giải phóng. Bộ chỉ huy chiến trường của Mỹ đã tung ra ba chiến dịch lớn để đánh vào các căn cứ này, đó là các chiến dịch:
a)Chiến dịch Cedar Falls – đánh vào khu Tam giác sắt Củ Chi, nơi có hệ thống địa đạo mà Quân Qiải phóng dùng làm bàn đạp thâm nhập Sài Gòn;
b)Chiến dịch Attleboro – đánh vào chiến khu Dương Minh Châu
c)Chiến dịch Junction City – đánh vào chiến khu C nơi đặt Bộ chỉ huy của Quân Qiải phóng miền Nam.
Đặc biệt là chiến dịch Junction City, khi Mỹ định đánh một trận lớn để diệt gọn cơ cấu lãnh đạo chiến tranh của Mặt trận Giải phóng miền Nam tại vùng rừng Tây Ninh. Bao vây và đánh vào khu căn cứ đầu não của Trung ương cục Đảng Lao động Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Quân Giải phóng. Các cuộc tiến công tuy đã huy động rất lớn các lực lượng của Mỹ nhưng không đem lại kết quả: các cơ cấu lãnh đạo, kho tàng, căn cứ của Quân Giải phóng vẫn an toàn, quân Mỹ bị tiến công liên tục, trong thế trận đối phương đã bày sẵn, trong địa bàn quen thuộc của đối phương và phải bỏ dở các cuộc hành quân. Đến cuối năm 1967, tuy đẩy lui chủ lực Quân giải phóng tại vùng đồng bằng, nhưng quân Mỹ vẫn không bình định được lực lượng này trong vùng rừng núi miền Nam Việt Nam.
Qua 3 năm chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ, tuy vẫn đứng vững trên chiến trường, nhưng thương vong của quân Giải phóng cũng tăng lên, nếu cục diện này tiếp tục kéo dài thì không thể giành được chiến thắng quyết định. Để xoay chuyển tình thế tạo đột phá cho cuộc chiến tranh, Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam tại Hà Nội quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
4.4.4 Sự kiện Tết Mậu Thân
Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, quân Giải phóng tung ra trận Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam, đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã và các căn cứ quân sự của đối phương. Đây là một sự kiện gây chấn động trên thế giới và gây nhiều bàn cãi nhất về Chiến tranh Việt Nam, sự kiện có một vai trò bước ngoặt trong cuộc chiến tranh này.
Nắm được điểm yếu của phía Mỹ là dư luận của cả nhân dân và chính giới tại Mỹ ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn và phong trào phản chiến ngày càng lên mạnh không cho phép quân đội tham chiến quá lâu tại nước ngoài mà không có được một tiến bộ rõ rệt khả dĩ cho phép rút quân về nước, Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam hoạch định một trận đánh gây tiếng vang lớn ("Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị" – Lê Duẩn) nhằm buộc Mỹ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.
Trong thực tế, vào tháng 1-1968, tình báo của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã thu thập được các tài liệu nói về cuộc tổng tấn công sắp tới của quân Giải phóng. Tuy vậy, họ cho rằng đây chỉ là tài liệu do đối phương tung ra để làm nghi binh và không đáng tin cậy. William Westmoreland, tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, nhận định Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ tấn công vào mùa khô với các trọng điểm là Quảng Bình, Quảng Trị và Khe Sanh. [96] Hầu hết người Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng hòa của họ hoàn toàn bất ngờ và bị động trước cuộc tấn công này.
Cuộc tiến công đã đồng loạt nổ ra vào đêm 30 Tết Mậu Thân, tức ngày 30 tháng 1 năm 1968, trên khắp các đô thị miền Nam. Để khuếch đại tiếng vang đến mức tối đa, các lãnh đạo quân Giải phóng đã lựa chọn phương án mạo hiểm nhất là đánh thẳng vào hậu phương của đối phương. Ngay đêm đầu tiên, lực lượng biệt động Sài Gòn đã nhằm vào các mục tiêu khó tin nhất trong thành phố Toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... Sau đó quân tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố tiếp quản các mục tiêu và tham gia chiến đấu. Cuộc tiến công đã gây bất ngờ lớn cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, quân Giải phóng đã mắc phải những sai lầm trong kế hoạch tác chiến:
- Trong việc lập kế hoạch cho cuộc tổng tiến công, họ đã có những đánh giá không đúng với thực tế tình hình và duy ý chí: họ hy vọng cùng với tiến công quân sự đánh vào các lực lượng Việt Nam Cộng hòa ở trong các đô thị, họ có thể phát động dân chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa đánh sụp chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đặt Mỹ trước tình thế phải đi đến quyết định ra đi khỏi chiến tranh. Kế hoạch trên dựa trên nhận định thấp về khả năng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và đánh giá quá cao khả năng của Quân Giải phóng miền Nam, nên trong thực tế Quân Giải phóng đã phải chịu thương vong to lớn mà, trong khi chỉ phát động được khởi nghĩa của người dân ở một số vùng nông thôn; chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại các đô thị vẫn đứng vững.
- Một đặc điểm nữa của việc lập kế hoạch tiến công Mậu Thân 1968 là các cấp chỉ huy chiến đấu của Quân Giải phóng miền Nam đã không tách bạch được đâu là mục tiêu chính trị thực chất của cuộc tiến công và đâu là mục tiêu được phổ biến rộng rãi trong quân để cổ vũ khí thế chiến đấu. Mục tiêu thực chất là đánh lớn gây tiếng vang hướng tới dư luận và chính giới Mỹ để buộc đối phương xuống thang, đàm phán. Còn mục tiêu chính trị được phổ biến tuyên truyền trong cán bộ binh sĩ để nâng cao sĩ khí là đó là trận cuối cùng "đánh dứt điểm" đối phương. Các cán bộ chiến trường khi lập kế hoạch tác chiến cũng tin tưởng vào quyết tâm đánh dứt điểm của cấp trên nên họ lập kế hoạch và tiến hành đánh theo kiểu trận đánh cuối cùng. Điều này làm cho các thiệt hại của Quân Giải phóng càng thêm nặng nề.
- Điều sai lầm nữa cho Quân Giải phóng là họ đã không linh hoạt thay đổi tuỳ theo tình hình. Khi thấy chưa đạt được mục tiêu trong đợt tấn công đầu tiên họ đã phát động tiếp đợt 2 vào tháng 5, đợt 3 vào tháng 8 khi mà kế hoạch đã bại lộ và đối phương đã đề phòng và chuẩn bị đón đánh, làm cho thiệt hại của mình càng to lớn hơn nữa.
Sau Tổng tiến công Mậu Thân, Quân Giải phóng bị đẩy ra xa và suy yếu trầm trọng: Các đơn vị quân sự chịu thương vong lớn, các lực lượng chính trị bị bộc lộ và bị triệt phá gần hết, thương vong cao hơn hẳn những năm trước. Thậm chí đã có ý kiến trong giới lãnh đạo Quân Giải phóng là cho giải tán các đơn vị cỡ sư đoàn, quay trở về lối đánh nhỏ cấp trung đoàn trở xuống. Họ không còn khả năng đánh lớn tại miền Nam và phải rút lui về các chiến khu tại vùng nông thôn, miền núi hoặc đi ẩn náu tại bên kia biên giới Lào và Campuchia, phải tới năm 1970 lực lượng của họ mới hồi phục lại được. Trong các năm sau Mậu Thân, từ 1969 đến đầu 1970, là thời gian Quân lực Việt Nam Cộng hòa chủ động tiến công lùng đánh Quân Giải phóng, triệt phá phong trào chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ở nông thôn và thành thị. Đó là cơ sở để giới quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cho rằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã thất bại.
Mặt khác, Quân Giải phóng cũng có lý do để cho rằng Mậu Thân 1968 là một thắng lợi chiến lược trong chiến tranh của họ, bởi họ đã đánh bại ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, bắt buộc Mỹ phải xuống thang và bắt đầu rút khỏi Việt Nam. Lực lượng quân Giải phóng suy yếu thì sẽ hồi phục lại, còn Mỹ một khi đã ra đi thì khó mà trở lại được.
Cuộc tổng tiến công đã làm dư luận Mỹ thấy rằng việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao đã làm căng thẳng trong xã hội Mỹ, phúc lợi giảm sút, gây nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội... mà vẫn không dứt điểm được quân đối phương, và trong tương lai chiến tranh không biết đến bao giờ kết thúc. Điều này đưa đến kết luận là Mỹ không thể thắng được trong cuộc chiến này. Các chính trị gia trong Quốc hội Mỹ gây sức ép lên chính phủ đòi xem xét lại cam kết chiến tranh, đòi huỷ bỏ uỷ quyền cho chính phủ tiến hành chiến tranh không cần phê chuẩn, thúc ép giải quyết chiến tranh bằng thương lượng.
Quy mô của cuộc tiến công làm dư luận Hoa Kỳ mất kiên nhẫn và sự tin tưởng với giới quân sự, họ đòi chấm dứt chiến tranh và rút quân về nước. Một mặt họ thiếu niềm tin vào hiệu quả của quân đội, mặt khác, các hành động bạo liệt mất nhân tính được trình chiếu trên TV đánh vào lương tâm công chúng (Xem Thảm sát Mỹ Lai, Saigon Execution). Họ đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Họ coi chiến tranh là bẩn thỉu.
Ngay các nhà lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ cũng chia rẽ trong quan điểm sẽ làm gì tiếp theo. Các cố vấn hàng đầu của tổng thống và ngay Tổng thống Johnson thoái chí đi đến kết luận không thể tăng quân thêm nữa theo yêu cầu của giới quân sự mà phải xuống thang, đàm phán. Johnson cách chức Bộ trưởng quốc phòng và tướng Westmoreland, tổng chỉ huy quân Mỹ tại Việt Nam, bản thân ông cũng tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Kết quả ngày 31 tháng 3 năm 1968 Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng thêm quân theo yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến trường, và từ chối tranh cử nhiệm kỳ tới. Tân tổng thống Richard M. Nixon, thắng cử vì hứa chấm dứt chiến tranh, tuyên bố sẽ dần rút quân về nước và đàm phán với Quân Giải phóng. Chiến lược Chiến tranh cục bộ được kỳ vọng sẽ đem lại chiến thắng cho Mỹ giờ bị loại bỏ. Vấn đề của Mỹ bây giờ không còn là chiến thắng cuộc chiến nữa mà là rút ra như thế nào.
Tất cả những điều trên tạo cơ sở cho Quân Giải phóng thấy rằng họ đã đạt được mục tiêu đề ra của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 cho dù với giá hy sinh cực kỳ to lớn. Thất bại về chiến thuật đã được bù đắp bằng thắng lợi quan trọng hơn ở tầm chiến lược, bởi nó tác động toàn diện đến tình hình quân sự, chính trị, tâm lý xã hội, chiến lược chiến tranh của cả nước Mỹ.
4.4.4.1 Hậu quả quân sự và chính trị
Cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã dẫn đến các kết quả chính trị và quân sự cho cả thời kỳ 1969–1971
Với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Về quân sự: Quân Giải phóng chịu nhiều thương vong, mất thế đứng chân tại nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, họ phải rút về các vùng nông thôn, rừng núi hoặc sang ẩn tránh tại các vùng bên kia biên giới tại Lào và Campuchia, tránh giao chiến lớn để khôi phục lại lực lượng. Chiến trường miền Nam trở nên yên tĩnh hơn. Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thời giờ bổ sung lại những thiệt hại lớn trong năm 1968, đồng thời tiến hành các chiến dịch bình định nông thôn đặc biệt là chiến dịch Phượng hoàng để đánh bật gốc rễ các cán bộ cộng sản nằm vùng trong nông thôn miền Nam.
Về chính trị: Vai trò của đấu tranh chính trị của những người cộng sản trong chiến tranh từ nay suy giảm đi nhiều vì các cơ sở chính trị của họ bị phá và với sự ác liệt không khoan nhượng của chiến tranh ở giai đoạn này không cho phép dân chúng tụ tập trên chiến trường để yêu sách chính trị. Từ đó trở đi sức mạnh vũ trang mang tính quyết định.
Với Hoa Kỳ và Đồng minh
Chính quyền Mỹ bị lên án bởi dư luận thế giới và các đảng phái chính trị đối lập ngay trong lòng nước Mỹ. Từ sau Mậu Thân trở đi, quyền lực tiến hành chiến tranh của Tổng thống Mỹ càng ngày càng bị hạn chế bởi Quốc hội và dư luận trong nước và quốc tế. Lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải xuống thang chiến tranh: ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, rút dần quân Mỹ về nước và đồng ý ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự rút quân Mỹ về nước là không thể đảo ngược và như vậy cũng có nghĩa chiến lược Chiến tranh cục bộ với các cuộc hành quân Tìm-diệt coi như phá sản. Chiến lược mới của chính phủ Mỹ để thay thế chiến lược cũ - Việt Nam hóa chiến tranh là không thể tránh khỏi. Chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn mới mà chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải tự mình chiến đấu mà không còn lính viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến cùng (dù vẫn được Mỹ cung cấp yểm trợ hỏa lực và cố vấn quân sự). Về mặt chiến lược lâu dài, đây là bất lợi lớn vì quân đội Việt Nam Cộng hòa, dù trang bị hiện đại vẫn không thể so sánh về chất lượng so với quân viễn chinh Mỹ.
4.5 Giai đoạn 1968–1972
Đây là giai đoạn "sau Mậu Thân" hay giai đoạn "Việt Nam hóa chiến tranh", giai đoạn Hoa Kỳ rút dần khỏi chiến trường Việt Nam. Để đồng minh của họ đứng vững, Hoa Kỳ giúp Việt Nam Cộng hòa xây dựng quân đội theo hình mẫu của quân lực Hoa Kỳ, với các loại vũ khí chiến tranh tối tân mà Hoa Kỳ để lại và với cơ sở hậu cần chiến tranh mà quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng. Hoa Kỳ sẽ yểm trợ về không lực tối đa cho quân đội Cộng hòa trong các giao tranh với Quân Giải phóng.
Một sự kiện quan trọng đã xảy ra trong thời kỳ này và có hậu quả to lớn cho Đông Dương sau này là việc Hoa Kỳ giúp Lon Nol làm đảo chính tháng 3 năm 1970 ở Campuchia, lật đổ hoàng thân Norodom Sihanouk và phát động chiến tranh chống cộng sản tại Campuchia.
Xem: Chiến dịch Campuchia
Thắng lợi tạm thời trên chiến trường sau Mậu Thân đã dẫn Hoa Kỳ đến sai lầm nặng nề[cần dẫn nguồn] này, tạo điều kiện cho Quân giải phóng mau chóng hồi phục và làm cho Campuchia rơi vào một thời kỳ tồi tệ trong lịch sử. Thấy Quân Giải phóng mất đất đứng chân, lui về các căn cứ bên kia biên giới Campuchia, Hoa Kỳ muốn triệt hạ nốt những chỗ đứng cuối cùng của đối phương để giải quyết triệt để chiến tranh. Điều này hóa ra lại làm lợi lớn cho Quân Giải phóng. Trước đây Quân Giải phóng chỉ đóng trên đất Campuchia ở một số vùng sát biên giới với Việt Nam, họ cố gắng lôi kéo, chiều lòng chính quyền Sihanouk và tự kiềm chế để không mất lòng chủ nhà. Chính quyền Sihanouk tuy không muốn nhưng không làm gì được đành chấp nhận phải sống như vậy với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nay với diễn biến chính trị như trên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền quay ra lên tiếng ủng hộ Sihanouk, thực chất là ủng hộ Khmer Đỏ[cần dẫn nguồn], đánh nhau không hạn chế trên đất Campuchia. Từ lúc đó, không còn gì và không có đối thủ kiềm chế lực lượng Quân Giải phóng Miền Nam trên đất Campuchia nữa. Campuchia trở thành nơi rất an toàn và tiện dụng cho Quân giải phóng phục hồi sinh lực sau Mậu Thân.
Ngày 30 tháng 4 năm 1970, Quân lực Việt Nam Cộng hòa kết hợp cùng quân đội Hoa Kỳ tiến vào khu căn cứ của Quân Giải phóng tại Campuchia nhưng đã bị sa lầy. Ngày 30 tháng 6 năm 1970, chính phủ Mỹ phải ra lệnh rút quân Mỹ về. Quân lực Việt Nam Cộng hòa cùng quân của chính phủ Lon Nol không thể tự đương đầu với Quân Giải phóng. Các sư đoàn 5, 7, 9 của Quân Giải phóng không những đánh đuổi quân Việt Nam Cộng hòa mà còn giúp Khmer Đỏ đánh quân chính phủ Lon Nol, giành các tỉnh Đông và Đông Bắc Campuchia để nối thông với Lào.
4.5.1 Việt Nam hóa chiến tranh
Tiến trình Việt Nam hóa chiến tranh đã diễn ra tương đối thuận lợi. Quân lực Việt Nam Cộng hòa sau Mậu Thân được trang bị theo kiểu Mỹ đã tỏ ra tự tin hơn và đã làm chủ trên chiến trường miền Nam từ năm 1969 đến tận cuối năm 1971. Nhưng điều đó chưa nói lên điều gì lớn vì Quân Giải phóng trong thời kỳ này chưa hồi phục sau Mậu Thân và không chủ trương đánh lớn. Cũng có thể họ yên lặng mà không làm gì có thể trì hoãn việc rút quân của Mỹ.
Sự yên tĩnh trên chiến trường miền Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút quân Mỹ mà không gây ra một sự xấu đi trầm trọng nào. Tranh thủ thời gian yên tĩnh trên chiến trường, phía Việt Nam Cộng hòa đổ công tiến hành bình định nông thôn. Từ đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa và Mỹ đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc chống lại cơ cấu đấu tranh chính trị của những người cộng sản ở địa bàn nông thôn. Một chương trình lớn tái thiết nông thôn được thi hành với viện trợ kinh tế lớn của Hoa Kỳ. Trong thời kỳ này, với sự giúp đỡ của CIA, Chiến dịch Phượng hoàng đã được triển khai nhằm tróc rễ các cơ sở bí mật nằm vùng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Các nỗ lực của Phượng hoàng chủ yếu diễn ra bằng các biện pháp khủng bố, ám sát, thủ tiêu. Các toán nhân viên Phượng hoàng áo đen được CIA huấn luyện và được phái xuống các xóm ấp, họ ở cùng trong dân nghe ngóng thu thập tình báo, bắt các phần tử nghi ngờ là cộng sản hoặc thân cộng sản, tra khảo để phanh ra tổ chức, nếu không khai thác được và vẫn nghi là Cộng sản thì thủ tiêu. Các phần tử cộng sản hoặc thân cộng sản nếu không tiện bắt thì ám sát. Số người bị thủ tiêu lên đến hàng ngàn người. Một mặt, các biện pháp này đã có hiệu quả tốt về an ninh, tình hình nông thôn trở nên được đảm bảo an toàn hơn rõ rệt cho phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Mặt khác, những vụ xử tử, ám sát oan dân thường lại khiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa càng bị người dân xa lánh, khiến chương trình bình định bị chặn lại.
Trong thời kỳ này, viện trợ của Hoa Kỳ dồi dào nên đời sống của dân chúng trở nên tốt hơn, nhất là dân trong các thành phố lớn và nó làm cho đời sống dân nông thôn đổ về thành phố tị nạn dễ thở hơn. Lúc này, tình trạng tham nhũng trong chính quyền và quân đội lên cao. Trong quân đội rất phổ biến kiểu "lính ma": khai khống quân số để sĩ quan lĩnh lương nhưng thực tế không có quân chiến đấu. Những điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Một vấn đề lớn nữa của Việt Nam hóa chiến tranh là khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhất nhất theo các tiêu chuẩn Mỹ thì họ cũng quen kiểu đánh nhau tốn tiền như Mỹ, và sức chiến đấu của quân đội phụ thuộc lớn vào viện trợ của Mỹ. Viện trợ mà giảm thì ảnh hưởng rõ rệt đến sức chiến đấu của quân đội, điều này góp phần giải thích tại sao quân đội này mau chóng sụp đổ trong năm cuối cùng của cuộc chiến.
4.5.2 Chiến dịch Lam Sơn 719
Tình hình miền Nam tương đối yên lặng trong các năm 1969–1971. Quân Giải phóng tích cực dự trữ lương thực, đạn dược tại các căn cứ ở Lào, Campuchia và các vùng rừng núi mà Quân lực Việt Nam Cộng hòa chưa với tới được. Năm 1970, sau khi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã thất bại trong việc đánh phá căn cứ của phe cộng sản tại Campuchia, tiếp tế từ miền Bắc đã nối thông từ Lào đến Đông Bắc Campuchia và đổ vào các khu căn cứ Tây Ninh. Do đó, nếu không cắt được tiếp tế cho Quân Giải phóng ở Campuchia thì có thể cắt tiếp tế từ Lào. Và tháng 1 năm 1971, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, dưới sự yểm trợ bằng không quân của Hoa Kỳ, tiến hành chiến dịch Lam Sơn 719: đánh từ Quảng Trị cắt ngang sang Hạ Lào nhằm phá huỷ hệ thống kho tàng của Quân Giải phóng. Cuộc hành quân này ngay từ đầu đã mang tính phiêu lưu phô trương chính trị và đã thất bại vì những lý do sau
Cuộc hành quân không bảo đảm tính bất ngờ.
Các căn cứ của Quân Giải phóng là những nơi họ đã lâu năm thông thuộc địa bàn và có bố phòng rất kỹ lưỡng. Ngay quân đội Hoa Kỳ với sức mạnh tổng lực như thế đã không thể làm gì nổi. Trong thời kỳ tìm-diệt các chiến dịch Atteleboro và Junction City đều đã thất bại, do đó đưa quân vào đó là sa vào thế trận đã bày sẵn. Hơn nữa vùng Hạ Lào là nơi tập trung rất nhiều binh lực hiện đại của Quân Giải phóng, còn mạnh hơn rất nhiều các khu căn cứ khác mà quân Nam Việt Nam chưa có đủ sức mạnh, kinh nghiệm và bản lĩnh để đương đầu.
Khi hoạch định kế hoạch người ta chú ý nhiều đến khía cạnh phô trương sức mạnh của quân đội Nam Việt Nam đánh được vào "đất thánh Cộng sản" chứ ý nghĩa quân sự thì ít. ("Chỉ cốt sao đến được Sê Pôn rồi về" – Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.) Chính vì để phô trương nên ban đầu khi gặp khó khăn rất lớn đã không chấm dứt chiến dịch mà cố gắng tiến nhọc nhằn đến Sê Pôn rồi phải cố sức mở đường máu với thiệt hại lớn mới về thoát dù chỉ là vài chục km cách biên giới.
Sự phối hợp của quân Mỹ và quân Nam Việt Nam không tốt. Không quân Mỹ chỉ ném bom B52 dọn đường theo yêu cầu, còn nhiệm vụ phối hợp hoả lực chiến thuật cho bộ binh tác chiến gần như không làm được.
Lực lượng máy bay trực thăng vào khu vực đậm đặc phòng không hiện đại đã chờ sẵn của đường mòn Hồ Chí Minh đã bị thiệt hại quá nặng không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Kết quả cuộc hành quân bị thiệt hại nặng nề nhất là các lực lượng bị tiêu diệt là các đơn vị dự bị chiến lược tốt nhất của Việt Nam Cộng hòa, cuộc hành quân còn thất bại ở chỗ tuy có phá được một số kho tàng hậu cần nhưng về cơ bản đã không làm hại gì được cho hệ thống tiếp tế của Quân Giải phóng.
Sau các cuộc hành quân bất thành của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào Campuchia và Hạ Lào, đến đầu năm 1972, Quân Giải phóng đã hồi phục sau Mậu Thân và lại tung ra một đợt tổng tiến công lớn nữa.
4.5.3 Chiến dịch mùa hè 1972 của miền Bắc
Tháng 3 năm 1972 lại xảy ra một nỗ lực nữa của Quân Giải phóng nhằm làm thoái chí Hoa Kỳ, buộc họ rút hẳn ra khỏi cuộc chiến. Đây là đòn đánh để kết hợp với nỗ lực ngoại giao. Quân Giải phóng đã tung ra một cuộc tổng tiến công và nổi dậy chiến lược mùa xuân năm 1972. Tuy rằng tên và kế hoạch như vậy nhưng yếu tố "nổi dậy" gần như không có, quân du kích chỉ đóng vai trò chỉ đường và tải đạn. Điều đó cho thấy tác dụng của các nỗ lực bình định của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa trong thời gian 1969-1971 đã có những hiệu quả nhất định.
Đây là cuộc tiến công chiến lược gồm các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa trên ba hướng chiến lược quan trọng: Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Tại Bắc Tây Nguyên, sau các thắng lợi ban đầu của Quân Giải phóng tại trận Đắc Tô - Tân Cảnh, chiến sự mau chóng êm dịu trở lại sau khi đội quân này bị chặn lại trong Trận Kon Tum.
Tại Đông Nam Bộ, ở tỉnh Bình Long sau khi thắng lợi tại Lộc Ninh, Quân Giải phóng tiến công theo đường 13 để đánh chiếm thị xã An Lộc trong trận An Lộc, dùng xe tăng và pháo binh dữ dội đánh dàn trận xung phong. Quân lực Việt Nam Cộng hòa quyết tâm cố thủ thị xã và đưa quân lên ứng cứu. Không quân Mỹ dùng B-52 đánh phá ác liệt các khu vực tập kết của Quân Giải phóng và gây thiệt hại lớn. Chiến trận xảy ra rất dữ dội tại thị xã, thương vong của hai bên và của dân chúng rất cao. Nhưng, cuối cùng, Quân Giải phóng không thể lấy nổi thị xã phải rút đi và sau 3 tháng chiến sự đi vào ổn định. Lần đầu tiên tại vùng Đông Nam Bộ, xe tăng T-54 và PT-76 của Liên Xô chế tạo xuất hiện, cho thấy hệ thống tiếp tế của Quân Giải phóng đã hoàn chỉnh vì đã có thể đưa được xe tăng đến tận chiến trường phía nam.
Trong suốt quá trình diễn ra cuộc chiến tranh, chưa bao giờ miền Bắc và các đồng minh miền Nam của họ lại phát động một cuộc tiến công ồ ạt dưới sự hỗ trợ của các lực lượng được trang bị tốt đến như vậy, cuộc tiến công này mạnh hơn bất cứ những gì mà Việt Nam Cộng hòa có thể tập trung lại được vào mùa xuân năm 1972.
Chiến trường chính của năm 1972 là tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây có tập đoàn phòng ngự dày đặc của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nơi tuyến đầu đối chọi với miền Bắc. Cuộc tiến công của Quân Giải phóng tại Quảng Trị đã thành công to lớn, quân phòng ngự tại đây hoảng loạn, thậm chí Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 đầu hàng không chiến đấu. Chỉ sau một tháng và qua 2 đợt tấn công, Quân Giải phóng đã chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị, uy hiếp tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.
Đến lúc đó, việc giữ vững vùng chiếm được và tái chiếm vùng đã mất tại Quảng Trị đã thành vấn đề chính trị thể hiện ý chí và bản lĩnh của cả hai bên và là thế mạnh để đàm phán tại Hội nghị Paris. Hoa Kỳ để tỏ rõ ý chí của mình bằng cách từ ngày 16 tháng 4 năm 1972 ném bom trở lại miền Bắc với cường độ rất ác liệt: dùng máy bay B-52 rải thảm bom xuống Hải Phòng, đem hải quân thả thuỷ lôi phong toả các hải cảng tại miền Bắc Việt Nam.
Tại chiến trường Quảng Trị, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đem hết quân dự bị ra quyết tái chiếm thị xã Quảng Trị với sự hỗ trợ tối đa bằng máy bay B-52 của Hoa Kỳ. Quân Giải phóng quyết tâm giữ vững khu vực thành cổ Quảng Trị của thị xã. Chiến sự cực kỳ ác liệt, thương vong hai bên rất lớn để tranh chấp một mẩu đất rất nhỏ không dân đã bị tàn phá hoàn toàn. Sau gần 3 tháng đánh nhau quyết liệt, Quân Giải phóng không giữ nổi và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chiếm được thành cổ và thị xã Quảng Trị. Nhưng, dù có hỗ trợ của không quân Mỹ, việc tái chiếm thị xã Đông Hà và các vùng đã mất khác là không thể làm được. Quân Giải phóng vẫn nắm giữ thêm 10% lãnh thổ miền Nam, có thêm các bàn đạp quân sự và thị xã quan trọng Lộc Ninh. Đến cuối năm 1972, chiến trường đi đến bình ổn vì hai bên đã kiệt sức không thể phát triển chiến sự được nữa.
Cuộc tấn công năm 1972 của Bắc Việt Nam đã không nhận được sự ủng hộ từ 2 đồng minh chủ chốt là Trung Quốc và Liên Xô trái với mong đợi của Hà Nội do 2 quốc gia này chỉ mong muốn kết thúc nhanh 1 thỏa ước hòa bình với Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tại Paris. Mặc dù chiến dịch không đem đến lợi thế rõ rệt về quân sự nhưng đã làm xã hội Hoa Kỳ quá mệt mỏi. Dư luận Mỹ và thế giới thúc ép chính quyền phải đạt được một nền hòa bình bằng thương lượng theo đúng cam kết giải quyết chiến tranh trong nhiệm kỳ tổng thống của họ. Đến cuối năm 1972, Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được thoả hiệp cơ bản những ý chính của Hiệp định Paris, và đầu năm 1973, Hoa Kỳ rút hẳn khỏi cuộc chiến.
4.5.4 Vừa đánh vừa đàm
Việc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam là việc phải xảy ra khi chẳng ai dứt điểm được ai bằng quân sự. Sau Mậu Thân, các bên đã ngồi vào thương lượng cho tương lai chiến tranh Việt Nam. Việc thương lượng đã diễn ra rất phức tạp vì, một mặt, các bên chưa thật sự thấy cần nhượng bộ và, mặt khác, Liên Xô và Trung Quốc muốn can thiệp vào đàm phán – đặc biệt là Trung Quốc. Nước này không muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự đàm phán mà muốn thông qua Trung Quốc giống như hiệp định Geneva năm 1954. Nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cự tuyệt dù bị áp lực bởi hai đồng minh.
Hội đàm được chọn tại Paris trải từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 1 năm 1973. Ban đầu chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ; sau mở ra thành hội nghị bốn bên, thêm Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
(Để đi đàm phán có chính danh một chính phủ có tính tính pháp lý cao hơn, năm 1969 phía Cộng sản cho thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên cơ sở Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam).
Khi một bên đang thắng thế trên chiến trường thì đàm phán thường bế tắc và điều đó đúng với Hội nghị Paris suốt thời kỳ từ 1968 đến 1972. Các bên dùng hội nghị như diễn đàn đấu tranh chính trị. Trong suốt quá trình hội nghị các cuộc họp chính thức chỉ mở màn, tố cáo nhau, tranh luận vài điều mà không thể giải quyết được rồi kết thúc mà không đi vào thực chất. Chỉ có các cuộc tiếp xúc bí mật của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, là đi vào thảo luận thực chất nhưng không đi được đến thoả hiệp.
Đến giữa năm 1972, khi Quân Giải Phóng Miền Nam đã đuối sức[cần dẫn nguồn] và Hoa Kỳ đã mệt mỏi bởi chiến tranh kéo dài và thực sự muốn đi đến kết thúc [103], thì đàm phán mới đi vào thực chất thoả hiệp.
Lập trường ban đầu của Hoa Kỳ: quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam phải đồng thời với việc rút Quân đội Nhân dân Việt Nam khỏi Nam Việt Nam. Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu có quyền tồn tại trong giải pháp hòa bình.
Lập trường ban đầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: quân đội Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam có quyền ở lại chiến trường miền Nam. Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu không được tồn tại trong giải pháp hòa bình.
Trong đó, vấn đề quy chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam là điểm mâu thuẫn chính giữa các bên. Cuối năm 1972 chính phủ Hoa Kỳ, dưới áp lực dư luận, đã mệt mỏi vì chiến tranh, đã thoả hiệp về vấn đề cơ bản này. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về phía mình cũng thoả hiệp về quy chế của chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hai bên đi đến thoả hiệp chung: Quân Mỹ và các đồng minh nước ngoài rút khỏi Việt Nam chấm dứt mọi can thiệp quân sự vào vấn đề Việt Nam; Quân đội Nhân dân Việt Nam được ở lại chiến trường Nam Việt Nam; và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được phép tồn tại như một chính phủ có liên quan đến giải pháp hòa bình.
Sau khi văn kiện hiệp định đã được ký tắt, Henry Kissinger đi Sài Gòn để đệ trình cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu văn bản đã đạt được. Phía Việt Nam Cộng hòa phản đối dự thảo này và tuyên bố sẽ không ký kết hiệp định như dự thảo.
Phía Mỹ đứng về phía Việt Nam Cộng hòa và tuyên bố chưa thể ký được hiệp định, đòi thay đổi lại nội dung chính liên quan đến vấn đề cốt lõi: quy chế Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ sửa đổi của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đe dọa sẽ ném bom lại miền Bắc Việt Nam nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chối ký theo phương án Hoa Kỳ đề nghị.
Tháng 12 năm 1972, Hoa Kỳ cho máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu khác trong 12 ngày (18 tháng 12 đến 30 tháng 12), đó là Chiến dịch Linebacker II. Không khuất phục được Hà Nội, bị thiệt hại nặng nề cho lực lượng không quân và nhất là bị dư luận quốc tế và trong nước phản đối mạnh mẽ, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải chấm dứt ném bom quay lại đàm phán và đồng ý ký kết Hiệp định Paris theo phương án đã ký tắt, dù có một vài sửa đổi nhỏ có tính kỹ thuật. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không tán thành hiệp định nhưng vì áp lực nếu không chấp nhận thì Hoa Kỳ sẽ đơn phương ký với Hà Nội và từ bỏ trách nhiệm với Việt Nam Cộng hòa nên phải chấp nhận ký.
Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, được coi là một thắng lợi quan trọng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 29 tháng 3 năm 1973 quân nhân Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam. Từ nay chỉ còn quân đội Việt Nam Cộng hòa đơn độc chống lại Quân Giải phóng đang ngày càng mạnh.
4.5.5 Chiến dịch Linebacker II
Trong chiến dịch này, Hoa Kỳ đem lực lượng không quân chiến lược với máy bay B-52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên trong 12 ngày đêm. Về lý do quân sự, chính trị thì cuộc ném bom này không cần thiết và có hại vì khi đó Hoa Kỳ đã quyết tâm rút khỏi chiến tranh. Hoa Kỳ biết rất rõ rằng chỉ bằng một cuộc ném bom dù ác liệt đến đâu Hoa Kỳ không thể nào bắt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhượng bộ một vấn đề cốt lõi mà vì nó họ đã chiến đấu gần 20 năm. Nó chỉ làm dư luận Mỹ và thế giới bất bình với chính phủ Hoa Kỳ. Đây chỉ là cách để thể hiện trách nhiệm nghĩa vụ đối với đồng minh (không chỉ đối với Việt Nam Cộng hòa mà còn cả các đồng minh khác nữa). Khi dự thảo hiệp định đã được ký tắt với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã phản đối kịch liệt và không chấp nhận, Hoa Kỳ quyết định dùng bước này để chứng tỏ họ đã cố gắng đến mức cuối cùng cho quyền lợi của đồng minh rồi.
Hoa Kỳ đã dùng một biện pháp rất cực đoan, tàn bạo mà các chuẩn mực chiến tranh thông thường không cho phép: dùng máy bay B52 rải thảm bom huỷ diệt vào một loạt các khu vực dân cư của các thành phố lớn để đánh vào ý chí của dân chúng và đã gây ra thương vong lớn cho dân cư. Ở Hà Nội, tại phố Khâm Thiên bom trải thảm đã phá sập cả dãy phố và sát hại nhiều dân thường. Tại bệnh viện Bạch Mai, nhiều tòa nhà quan trọng đã bị phá hủy, cùng với các bệnh nhân và bác sĩ, y tá bên trong. Chiến dịch này đã phá hoại nặng nề nhiều cơ sở vật chất, kinh tế, giao thông, công nghiệp và quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng đã không làm thay đổi được lập trường của Hà Nội.
Về mặt quân sự, Hoa Kỳ đã đánh giá thấp lực lượng phòng không của đối phương. Không lực Hoa Kỳ quá tin tưởng vào các biện pháp kỹ thuật gây nhiễu điện tử để bịt mắt radar và tên lửa phòng không của đối phương. Để đáp lại, các lực lượng tên lửa phòng không của Bắc Việt Nam đã giải quyết vấn đề bằng những biện pháp chiến thuật sáng tạo và hợp lý, họ đã bắn các máy bay B-52 theo xác suất và đã thành công vượt xa mức trông đợi. Cũng trong chiến dịch này, lần đầu pháo đài bay B-52 bị hạ bởi một máy bay tiêm kích, do Phạm Tuân điều khiển. Sách báo Việt Nam gọi chiến dịch này là Điện Biên Phủ trên không, như một cách nêu bật thắng lợi của lực lượng phòng không Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến dịch.
Dưới áp lực của dư luận thế giới và trong nước, thất bại trong việc buộc Hà Nội nhượng bộ, Tổng thống Nixon ra lệnh chấm dứt ném bom vào ngày 30 tháng 12 năm 1972 và hội đàm lại để ký kết hiệp định. Hiệp định Paris có phương án cuối cùng về cơ bản không khác mấy so với phương án đã được ký tắt. Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam
4.5.6 Hiệp định Paris
Hiệp định Paris là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Theo các nội dung chính như sau:
Các quân đội nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam. Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Quân Giải phóng miền Nam đóng nguyên tại chỗ và ngừng bắn tại chỗ.
Miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Các bên tạo điều kiện cho dân chúng sinh sống đi lại tự do giữa hai vùng.
Hiệp thương chính trị giữa các lực lượng chính trị, thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc của miền Nam Việt Nam và tiến tới thống nhất hai miền.
Ngoài ra còn nhiều các điều khoản khác như lập uỷ ban kiểm soát và giám sát và phái đoàn quân sự liên hợp bốn bên, điều khoản Hoa Kỳ đóng góp tài chính tái thiết sau chiến tranh, điều khoản Hoa Kỳ gỡ mìn đã phong toả các hải cảng Bắc Việt Nam, điều khoản trao trả tù binh...
Mặt khác, Hiệp định Paris là hiệp định được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ soạn thảo để đảm bảo cho việc Hoa Kỳ ra khỏi chiến tranh. Đối với Hoa Kỳ, đây là cách họ ra khỏi cuộc chiến mệt mỏi này một cách chính đáng. Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì hiệp định này là bước thứ nhất trong hai bước để đi đến thắng lợi cuối cùng. Đối với Việt Nam Cộng hòa thì hiệp định này là một tai ương lớn đối với chính thể của họ và đặt sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa trước một nguy hiểm trong một tương lai gần.
Để trấn an Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống Nixon đã hứa riêng với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là trong trường hợp Bắc Việt Nam phát động chiến tranh tiêu diệt Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ sẽ phản ứng một cách thích hợp để bảo đảm an ninh cho Việt Nam Cộng hòa. Lời hứa này về sau không có giá trị thực tiễn vì sau đó Quốc hội Hoa Kỳ đã ra nghị quyết không cho phép đưa lực lượng vũ trang trở lại Đông Dương mà không được phép của Quốc hội và quy định khuôn khổ viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa. Với các áp đặt như vậy thì dù không có sự kiện Watergate, dù Tổng thống Nixon có tại vị thì cũng không thể giữ lời hứa một cách hữu hiệu được. Đối với người Mỹ, họ thực sự muốn đóng lại cuộc chiến, quên nó đi và mở sang một trang sử mới.
Chính vì vậy trong hiệp định có những điều khoản có vẻ là nhượng bộ của Bắc Việt Nam nhưng chẳng có ai có thể kiểm chứng và cưỡng chế được; ví dụ điều khoản quy định quân đội Bắc Việt Nam được quyền thay quân và trang bị vũ khí theo nguyên tắc một-đổi-một. Số quân Bắc Việt trên chiến trường lúc đó, số quân của họ trên đường mòn Hồ Chí Minh, số vũ khí họ mang vào và mang ra là những dữ liệu không thể kiểm chứng được. Còn vũ khí Mỹ vào Việt Nam qua các cảng và cầu hàng không thì dễ dàng được quản lý. Tương tự, điều khoản về uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế cũng chỉ là hình thức vì quyền lực của uỷ ban này không có đủ để can thiệp gì vào các tiến trình sự việc. Các điều khoản về quy chế chính trị như thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc tiến tới thống nhất cũng không có cơ chế thi hành mà chỉ là ý tưởng.
Nói chung hiệp định này chỉ được thi hành tốt ở những điều khoản rút quân Mỹ (cùng các đồng minh khác) và trao trả tù binh Mỹ mà thôi. Hoa Kỳ thực sự muốn rút và miền Bắc sẵn sàng tạo điều kiện cho việc đó.
Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút hết vào cuối tháng 3 năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn bị cho việc đánh dứt điểm chính quyền Việt Nam Cộng hòa, còn Nam Việt Nam cố gắng xoay trở chống đỡ chẳng kể gì đến hiệp định. Vai trò của hiệp định Paris, trên thực tế, đến đây là đã hết.
4.6 Giai đoạn 1973–1975
Đây là giai đoạn kết thúc chiến tranh vì với sự ra đi của quân viễn chinh Hoa Kỳ thì kết cục cho Chiến tranh Việt Nam đã rõ ràng. Sau 2 năm quân Mỹ rút hết, quân Giải phóng tiến công trận đánh cuối cùng giải quyết chiến tranh. Việt Nam Cộng hòa không thể tự bảo vệ, quân đội của họ đã nhanh chóng bị đánh bại và đã đầu hàng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trong các năm từ 1973 đến tháng 2 năm 1975 là thời gian hai phía đối địch chuẩn bị vào các trận đánh nhau to sắp tới. Năm này chỉ được 1–2 tháng đầu là có các ảo tưởng hòa bình: quân sĩ hai bên tiếp xúc với nhau qua câu cửa miệng là "hòa bình rồi...". Sau đó là thời gian hai bên liên tục lên án nhau phá hoại hiệp định và đánh lấn chiếm vùng kiểm soát của nhau, nhưng ở quy mô nhỏ. Quân đội Việt Nam Cộng hòa không đủ sức để đánh lớn và quân Giải phóng cũng không có chủ trương đánh lớn vào lúc đó.
Thời kỳ này có một sự kiện bất ngờ với Việt Nam Cộng hòa và ngỡ ngàng cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là việc Trung Quốc tấn công chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974. Vào năm này, Quân lực Việt Nam Cộng hòa gặp khó khăn trong việc điều quân dự bị, cụ thể là rút tiểu đoàn Thủy quân lục chiến đang đóng ở Hoàng Sa về đất liền để chống lại lực lượng Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ và hạm đội 7 của họ cũng không giúp đỡ Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa nữa. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công khai phản kháng lại các động thái của Trung Quốc, nhưng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc vào ngày 20/1/1974. Sau hải chiến Hoàng Sa 1974, Trung Quốc đã thay thế Việt Nam Cộng hòa thực hiện chủ quyền tại quần đảo này; nhưng Việt Nam Cộng hòa và nước Việt Nam thống nhất sau này vẫn tuyên bố chủ quyền tại đây. Sự việc cũng tác động lên quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với đồng minh Trung Quốc, và giữa Việt Nam Cộng hòa với đồng minh Hoa Kỳ: nó cho thấy các đồng minh của họ đã không còn đáng tin cậy như trước.
Thời kỳ 1974–1975 trước trận Ban Mê Thuột có hai trận đánh lớn có vai trò đáng chú ý: trận Thượng Đức thuộc tỉnh Quảng Nam bắt đầu khoảng tháng 7 năm 1974 và trận Phước Long tháng 12 năm 1974. Đây là hai trận của giai đoạn này mà Quân giải phóng phát động với một mục tiêu duy nhất là thăm dò lực lượng đối phương.
Tháng 7 năm 1974, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đưa một sư đoàn đến đánh chiếm chi khu quân sự quận lỵ Thượng Đức thuộc tỉnh Quảng Nam. Đúng theo tính toán của quân Giải phóng, Quân lực Việt Nam Cộng hòa liền điều sư đoàn dù tổng trù bị chiến lược đến tái chiếm. Hai bên đánh nhau ác liệt trong vòng 3 tháng; kết quả quân Giải phóng vẫn giữ vững Thượng Đức và Quân lực Việt Nam Cộng hòa bỏ cuộc. Sau trận đánh, các nhà lãnh đạo của Quân Giải phóng đã đi đến kết luận là sức chiến đấu, nhất là sức mạnh tấn công của Quân lực Việt Nam Cộng hòa so với 1972 đã suy giảm đi nhiều khi không còn có yểm trợ của không quân Mỹ. Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng không đủ lực lượng dự bị cơ động để chiến đấu lâu dài: Một quận lỵ quan trọng ở quân khu 1 Việt Nam Cộng hòa mà cả quân đoàn và quân khu 1 không đủ lực lượng cơ động đến giải vây mà phải dùng đến sư đoàn dù là lực lượng mạnh nhất tổng dự bị chiến lược. Điều này là một luận cứ góp vào kế hoạch tác chiến cho chiến dịch năm 1975 đánh dứt điểm Việt Nam Cộng hòa.
Giữa tháng 12 năm 1974, tại mặt trận miền Đông Nam Bộ, quân Giải phóng phát động chiến dịch Phước Long tiến đánh và sau 3 tuần chiếm hoàn toàn tỉnh này. Tuy mất một tỉnh ngay tại đồng bằng Nam Bộ cách Sài Gòn chỉ khoảng 100 km nhưng Việt Nam Cộng hòa không có phản ứng thích đáng nào để khôi phục. Họ không còn quân dự bị cơ động để phản kích nữa. Và quan trọng nhất là Hoa Kỳ chỉ phản ứng ở mức không có dấu hiệu là sẽ can thiệp mạnh. Chiến dịch này đã củng cố tin tưởng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hoa Kỳ sẽ ít có khả năng can thiệp trở lại.
4.6.1 So sánh lực lượng hai bên sau khi Hoa Kỳ rút quân
Trong giai đoạn 1973–1975, tuy lượng viện trợ quân sự từ Liên Xô và Trung Quốc giảm rõ rệt, tổng số tấn vũ khí và thiết bị quân sự được viện trợ giảm từ khoảng 171.166 tấn/năm trong thời kì 1969-72 giảm xuống còn khoảng 16.415 tấn/năm trong thời kì 1973-75.[104], nhưng cán cân lực lượng vẫn dần nghiêng về Quân Giải phóng. Họ được bổ sung quân số đầy đủ từ miền Bắc. Quân từ miền Bắc lúc đó hành quân bằng cơ giới trên đường mòn Hồ Chí Minh cả ngày lẫn đêm, đèn pha sáng trưng mà không sợ bị không lực Hoa Kỳ oanh tạc. Trong các năm này, đường mòn Hồ Chí Minh cũng đã được mở rộng hơn để đảm bảo cho việc cung cấp quy mô lớn cho chiến trường. Các trang thiết bị đạn dược và lương thực cũng đã đủ số trong các kho, từ kho của đơn vị chiến đấu đến kho hậu cứ và kho tại hậu phương miền Bắc. Xăng dầu đã được bơm thẳng theo tuyến đường ống cung cấp từ miền Bắc vào tận Bù Gia Mập tại miền Đông Nam Bộ và rất gần đến các kho đứng chân chiến đấu.
Đặc biệt ưu thế quan trọng nhất tạo nên áp đảo đối phương là tinh thần chiến đấu. Binh sĩ quân Giải phóng nhận thức được cơ hội thuận lợi chấm dứt chiến tranh giành chiến thắng hoàn toàn nên khí thế lên rất cao và sẵn sàng xung trận.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa thì ngày càng gặp khó khăn, tuy phương tiện chiến tranh vẫn còn nhiều trong kho, nhưng họ bị hạn chế về kinh phí tài chính vì viện trợ của Hoa Kỳ đã bị cắt giảm nhiều, khó khăn trong việc trả lương binh lính và nhất là khó khăn trong việc tăng cường và bổ sung quân số. Tuy Quân lực Cộng hòa hơn hẳn đối phương về không quân, nhưng quân chủng này đòi hỏi rất nhiều tài chính khi hoạt động, viện trợ của Hoa Kỳ lúc đó không đủ nên không quân chỉ phát huy non nửa uy lực. Các khu dự trữ xăng dầu của Việt Nam Cộng hòa luôn là nơi bị đặc công Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đánh phá nên nhiều lúc vấn đề nhiên liệu cũng gay gắt.
Nhưng điều khó khăn lớn nhất cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa là tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống thấp. Sau Hiệp định Paris, các sĩ quan và binh lính đã thấy tương lai mờ mịt cho họ, tâm trạng bi quan chán nản và tinh thần chiến đấu sa sút nghiêm trọng dẫn đến tình trạng đào ngũ, trốn lính rất nhiều, bổ sung không kịp.
Theo các số liệu thống kê về cán cân lực lượng trên chiến trường (quân số, trang bị hạng nặng) thì tương quan lực lượng nghiêng về Việt Nam Cộng hòa. Nhưng với những thuận lợi và khó khăn thực chất của hai bên, ưu thế trên chiến trường đã nghiêng dần sang phía Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Việc họ nhanh chóng đè bẹp quân đội Việt Nam Cộng hòa trong chiến dịch mùa xuân năm 1975 là phản ánh đúng cán cân lực lượng trên chiến trường.
4.6.2 Cuộc tấn công cuối cùng
Cuộc tấn công cuối cùng của Quân Giải Phóng Miền Nam diễn ra trong 55 ngày đêm bắt đầu từ ngày 5 tháng 3 cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng vô điều kiện. Nó còn được gọi là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Cơ quan tham mưu của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa lập kế hoạch tiến công đã phân cuộc tiến công này thành các chiến dịch nối tiếp nhau họ gọi là chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng và, cuối cùng, chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Tây Nguyên: với mục tiêu là chiếm Tây Nguyên mà trận mở đầu then chốt là thị xã Ban Mê Thuột tại Nam Tây Nguyên. Tại đây có hậu cứ của sư đoàn 23 của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thành công trong việc làm cho đối phương tin rằng mục tiêu tiến công sẽ ở Bắc Tây Nguyên ở hướng thị xã Kon Tum hoặc thị xã Pleiku. Ngày 10 tháng 3 quân Giải Phóng tiến công Ban Mê Thuột. Sau hơn một ngày tiến công rất ác liệt, quân đồn trú đã kháng cự rất quyết liệt nhưng với ưu thế áp đảo quân Giải Phóng đã đánh chiếm được thị xã. Liên tiếp trong các ngày sau đó họ đã chủ động tiến công quân phản kích, quân phản kích của Nam Viêt Nam vừa đổ xuống chưa kịp đứng chân cũng đã bị đánh tiêu diệt. Mất Ban Mê Thuột và không có đủ lực lượng cơ động dự bị khả dĩ có thể phản kích tái chiếm, lại cùng với việc các lực lượng phòng thủ Bắc Tây Nguyên cũng đang bị uy hiếp nặng nề, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh bỏ Tây Nguyên rút các lực lượng còn lại về cố thủ giải đồng bằng ven biển miền trung. Đường rút lui sẽ là theo đường 14 từ Pleiku đi xuống phía nam sau đó đi vào đường số 7 đã bị bỏ từ lâu không sử dụng, mục tiêu là thoát xuống thị xã Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Đây là một thảm hoạ chết người cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc rút lui đã không bảo toàn được số quân mà trái lại nó làm thành làn sóng hoảng loạn lan khắp các vùng lại còn làm rệu rã hết tinh thần binh sĩ trên toàn quốc. Việc rút một số lượng quân lớn như thế trong một thời gian chuẩn bị gấp gáp 2–3 hôm đã diễn ra trên đoạn đường dài hàng trăm km không có kế hoạch, trong khi tinh thần binh sĩ đã xuống rất thấp và, quan trọng hơn cả, binh sĩ mang gia đình và người chạy nạn theo cùng. Tất cả những cái đó đã biến dòng người cùng xe cộ khổng lồ ùn tắc thành một dòng náo loạn không thể chỉ huy và chiến đấu. Bị đối phương chặn tại Cheo Reo - Phú Bổn đoàn quân này đã bị tan tác không còn tập hợp lại được nữa. Tây Nguyên thất thủ vào tay quân Giải phóng, hơn 12 vạn quân đồn trú bị tan rã. Tiêu biểu như toàn bộ sư đoàn 23 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hơn 1 vạn quân về đến Tuy Hòa tập hợp đếm lại được còn 36 người.
Chiến dịch Huế-Đà Nẵng: Kể từ sau cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên tin thất bại đã bay khắp miền Nam, binh sĩ mất hết tinh thần, quân đội gần như không chiến đấu mà bỏ chạy. Các nhà lãnh đạo chiến tranh của Mặt Trận Giải Phóng nhận định ra quân đội Cộng hòa đã không còn chiến đấu có tổ chức chặt chẽ được nữa; họ liền tiến hành phương án thời cơ tung ngay quân đoàn 2 (hay Binh đoàn Hương Giang được thành lập từ các đơn vị của quân khu Trị – Thiên và khu 5) nhanh chóng tiến công đánh chiếm cố đô Huế và thành phố lớn thứ hai của Việt Nam Cộng hòa, Đà Nẵng. Quân đội Việt Nam Cộng hòa vội vã rút lui khỏi Quảng Trị về Huế và trước sức ép của đối phương quyết định rút chạy bỏ Huế nhưng đường núi về phía nam đã bị đối phương cắt mất, họ chỉ còn một con đường chạy ra biển để chờ tàu hải quân vào cứu. Cũng giống như cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên, cuộc rút chạy này đã trở thành hỗn loạn và cướp bóc. Số nào được cứu lên tàu hải quân thì khi lên đến bờ cũng không thể tập hợp lại thành đơn vị chiến đấu được nữa, số còn lại bỏ vũ khí tự tan vỡ. Ngày 26 tháng 3 quân Giải Phóng vào Huế. Đà Nẵng cũng không tránh được bị chiếm. Khi quân đoàn 2 của Quân Giải phóng tiến đến Đà Nẵng, cảnh hỗn loạn đang diễn ra, quân lính Việt Nam Cộng hòa đang cướp bóc. Quân lính và dân cố gắng thoát khỏi thành phố bằng tàu hải quân, các đơn vị vòng ngoài không còn tinh thần chiến đấu nữa; quân Quân Giải phóng bỏ qua vòng ngoài thọc sâu đánh chiếm thành phố mà không có kháng cự đáng kể. Tại đây 10 vạn binh lính và sỹ quan đã ra hàng (ngày 29 tháng 3). Quân khu 1 Việt Nam Cộng hòa đã bị xoá bỏ.
Trong hai tuần đầu tháng 4 các tỉnh thành phố miền trung lần lượt rơi vào tay Quân Giải phóng. Họ từ phía Bắc tràn vào (với Quân đoàn 2) và từ Tây nguyên tràn xuống (với Quân đoàn 3 – hay Binh đoàn Tây Nguyên – được thành lập từ các đơn vị của mặt trận Tây Nguyên). Bây giờ thì không còn sức mạnh nào có thể ngăn nổi sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn hết các toán quân còn sót lại của Quân đoàn 2 của họ chuyển sang cho Quân đoàn 3 chỉ huy để cố lập một phòng tuyến ngăn chặn tại Phan Rang nhưng cũng không chặn được quân Giải phóng mà tư lệnh chiến trường cũng bị bắt. Quân khu 1 và 2 của Việt Nam Cộng hòa đã bị xoá bỏ. Bây giờ quân Giải phóng đã ào xuống đồng bằng Đông Nam Bộ của quân đoàn và quân khu 3 Việt Nam Cộng hòa, chỉ còn hơn 100 km là đến Sài Gòn.
Nỗ lực cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa là trông vào tuyến phòng thủ từ xa của Sư đoàn 18 tại thị xã Xuân Lộc tỉnh Long Khánh. Quân đoàn 4 (hay Binh đoàn Cửu Long) của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam được thành lập từ các sư đoàn và đơn vị tại miền Đông Nam Bộ định chiếm Xuân Lộc trong hành tiến. Nhưng sư đoàn 18 đã chống cự có tổ chức, đây là nỗ lực chiến đấu có tổ chức dài ngày cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Quân đoàn 4 của quân Giải phóng không chiếm được Xuân Lộc trong hành tiến bắt buộc phải dừng lại tổ chức trận địa tiến công. Mặt khác họ không để mất thì giờ với Xuân Lộc mà đi vòng qua vòng vây tiến về phía Biên Hòa. Sau 12 ngày cầm cự, từ 9 tháng 4 đến 21 tháng 4, Sư đoàn 18 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bỏ Xuân Lộc rút lui có tổ chức về bên kia sông Đồng Nai cố thủ. Vậy là tuyến phòng thủ từ xa cuối cùng bảo vệ Sài Gòn không còn. Trước tình hình không thể cứu vãn tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để người khác có cơ hội đàm phán với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay nhưng ông không phải là người có thể nói chuyện được với đối phương. Các dàn xếp của các lực lượng thứ ba đã đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng thống từ ngày 28 tháng 4.
Chiến dịch Hồ Chí Minh: Sau khi tập hợp đủ lực lượng gồm 15 sư đoàn và rất nhiều trung đoàn, lữ đoàn độc lập khác để đảm bảo áp đảo chắc thắng, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bắt đầu tiến công Sài Gòn để chấm dứt chiến tranh trong một chiến dịch được gọi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 26 tháng 4. Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tổ chức theo 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232 tương đương quân đoàn đánh 5 mũi từ 5 hướng vào Sài Gòn. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã kháng cự ác liệt trên một số hướng nhưng rốt cục không thể kháng cự lâu dài được nữa. Quân Giải phóng đánh từ ngày 26 đến cuối ngày 28 tháng 4 thì họ đến được cửa ngõ Sài Gòn và có thể đi thẳng vào thành phố. Để tránh mọi rắc rối với Hoa Kỳ, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam dừng lại bên ngoài thành phố 1 ngày để người Mỹ tổ chức di tản xong họ mới vào. 8 giờ sáng 30 tháng 4, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố Sài Gòn bỏ ngỏ và ra lệnh cho quân đội đơn phương ngừng chiến chờ đối phương vào bàn giao chính quyền. Bộ tổng tham mưu ra mệnh lệnh chấm dứt kháng cự. Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến nhanh vào thành phố và chỉ gặp những kháng cự lẻ tẻ, vô tổ chức. Đến 11 giờ 30 phút Dương Văn Minh lên đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
4.6.3 Về việc kết thúc chiến tranh
Việc đánh chiếm Sài Gòn kết thúc chiến tranh của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra khá ôn hòa, rất ít đổ máu và thành phố nguyên lành. Tất nhiên việc sụp đổ đầu hàng của Việt Nam Cộng hòa là kết quả của sức mạnh quân sự áp đảo của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, nhưng việc kết thúc chiến tranh ôn hòa không đổ máu dân chúng, có đóng góp nhiều của lực lượng thứ ba và vai trò không nhỏ của Dương Văn Minh và các phụ tá. Trong bối cảnh không còn cơ hội kháng cự, với cách nhìn thực tế và không cực đoan, ông Dương Văn Minh được các lực lượng chính trị thứ ba đưa lên làm tổng thống để đảm bảo một cuộc chuyển giao chế độ êm thấm và không đổ máu, không trả thù. Ông đã làm được việc này bằng cách tuyên bố Sài Gòn bỏ ngỏ và sẵn sàng đón nhận quân Giải phóng vào để làm thủ tục bàn giao chính quyền. Đối với hoàn cảnh chiến sự và chính trị lúc đó có lẽ đây là một giải pháp đúng đắn. Cùng với việc ra mệnh lệnh đơn phương ngừng chiến, thực tế từ sáng sớm 30 tháng 4, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã ngừng kháng cự và Quân Giải Phóng Miền Nam vào Sài Gòn không gặp kháng cự có tổ chức.
Ngay sau khi Quân Đội Nhân Dân Việt Nam chiếm thành phố và làm chủ hoàn toàn miền Nam, các cấp chỉ huy chính trị-quân sự của những người Cộng sản miền Nam mà đại diện là Thượng tướng Trần Văn Trà – Tư lệnh quân quản Sài Gòn đã có cách nhìn và việc làm thông cảm, hợp tình, hợp lý và những lời nói khích lệ đối với các cấp chính quyền và quân đội đối phương.
5 Phong trào phản chiến
Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã bị phản đối từ đầu thập niên 1960, nhưng không được chú ý và phải cho đến khi 1 người Mỹ là Norman Morrison tự thiêu vào năm 1965 thì dư luận thế giới mới biết đến.
Phong trào phản chiến bước sang một bước ngoặt mới khi cuộc biểu tình của sinh viên Đại học Kent State (bang Ohio) ngày 4-5-1970 đã bị Vệ binh quốc gia Mỹ đàn áp làm 4 sinh viên bị chết và 9 người khác bị thương.
Đã có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh ở trên khắp các bang ở Mỹ, 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại bất hợp pháp” vì chống chiến tranh Việt Nam, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Trong suốt cuộc chiến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì tranh thủ phong trào hòa bình ở Mỹ. Theo đánh giá của William Colby thì họ được dư luận ủng hộ mạnh mẽ do việc giới thông tin đại chúng của Mỹ dễ dàng vào được miền Nam Việt Nam trong khi nếu muốn vào miền Bắc Việt Nam lại rất khó, và do đó, tin tức về những khiếm khuyết của chính phủ Việt Nam Cộng hoà thì công chúng Mỹ được biết trong khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì chẳng có gì hết vì họ không cho phép đưa tin.
Phong trào này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của những người cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh này.
6 Kết quả và Việt Nam sau cuộc chiến
Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến gây nhiều tàn phá nhất trong lịch sử Việt Nam và gây chia rẽ rất sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam cũng như xáo trộn, chia rẽ trong lòng nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tùy theo nguồn, số người Việt Nam bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam là từ 3 đến 5 triệu, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương. Những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế xã hội và môi trường mà cuộc chiến đã gây ra. Trong đó có tỷ lệ dị dạng bẩm sinh cao nhất thế giới[109]Hàng vạn nạn nhân chất độc hóa học tại Việt Nam hiện nay (Xem Chất độc da cam). Một nửa diện tích rừng của Việt Nam bị phá hủy. Sự tàn phá môi trường do Mỹ gây ra lớn đến mức đã làm phát sinh một từ tiếng Anh mới, ecocide. Việt Nam đã trở thành đất nước bị ném nhiều bom nhất trong lịch sử thế giới.Số bom ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, gần gấp 3 tổng số tấn bom sử dụng trong Thế chiến thứ hai, trong cái gọi là chính sách "lunarization" (mặt trăng hóa).Cơ sở hạ tầng ở cả hai miền Việt Nam đã bị phá hoại gần hết. Tính bình quân mỗi người dân Việt Nam từ cụ già đến trẻ sơ sinh phải chịu đựng trên dưới 250kg bom đạn Mỹ.
Bước ra sau chiến tranh, cùng với niềm tự hào đã chiến thắng "siêu cường số một" thế giới, Việt Nam đã có được thống nhất và độc lập - mục tiêu mà vì nó nhiều thế hệ người Việt đã đấu tranh suốt từ thời Pháp thuộc.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn. Các sai lầm của chính phủ về kinh tế và chính trị, sự cứng nhắc về hệ tư tưởng, thiên tai, lệnh cấm vận của Mỹ, và sự tàn phá của chiến tranh, tất cả đều góp phần vào các vấn đề thời hậu chiến của đất nước. Những điểm yếu to lớn về kinh tế, xã hội theo mô hình xã hội chủ nghĩa (phỏng theo mô hình của Đông Âu đã không còn phù hợp) đã nhanh chóng phát tác trầm trọng (những điểm mà trong thời chiến dân chúng còn tạm chấp nhận).
Cùng với những chia rẽ sâu sắc vốn có của chiến tranh, rất nhiều sĩ quan quân đội và viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa bị bắt đi học tập cải tạo từ vài tháng đến vài năm (thời hạn thường tăng theo cấp bậc, sĩ quan bậc thấp thường là vài tháng, trong khi các viên chức cấp cao nhất có người bị giam giữ hơn 10 năm), càng làm cho nhân tâm thêm sa sút. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc xung đột kéo dài tại biên giới với Trung Quốc và do việc đóng quân quá lâu (hơn 10 năm) ở Campuchia sau chiến tranh biên giới Tây Nam. Những sai lầm về đường lối kinh tế và lãnh đạo này đã tạo nên làn sóng khổng lồ những người bỏ nước ra đi. Sau 10 năm thống nhất đất nước nhu cầu đổi mới cho Việt Nam là tất yếu và sống còn.
Đối với Hoa Kỳ, Chiến tranh Việt Nam đã thành một chương buồn trong lịch sử của họ. Thất bại trong chiến tranh này gây một cú sốc trong tâm lý chính trị của Hoa Kỳ, buộc họ phải nhận thức và đánh giá hiệu chỉnh lại vai trò cường quốc của họ trên thế giới. Quân đội Mỹ giảm hẳn hoạt động tại nước ngoài trong suốt 15 năm, cho tới khi Chiến tranh Vùng vịnh nổ ra. Ngoài hàng chục vạn lính chết và thương tật, rất nhiều lính Mỹ trong số 2,7 triệu lính từng tham chiến tại Việt Nam vướng vào các chứng rối loạn tâm lý, thông thường được gọi là "Hội chứng Việt Nam". Sự cay đắng của các cựu binh tuổi thanh niên này góp phần tạo nên Hippi, một trào lưu đầy nổi loạn, bất cần đời trong giới trẻ Mỹ trong suốt 20 năm. Nhiều năm sau chiến tranh, hàng chục vạn quân nhân và cố vấn Mỹ đã bị ung thư do đã tiếp xúc với chất độc da cam.
Nền chính trị và mối liên kết giữa chính phủ và người dân bị chia rẽ nghiêm trọng. Hoa Kỳ đã tốn 676 tỷ đô la cho cuộc chiến (tính theo giá trị đô la của năm 2004 chưa tính các khoản chi tiêu gián tiếp khác ), gấp 2,7 lần chi phí của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai (250 tỷ đô la). Nếu đem so sánh giá của chiến tranh Việt Nam với các chương trình có tính chất tiêu biểu mà chính phủ nước Mỹ đã thực hiện, thì Việt Nam vẫn nổi lên một lần nữa là một trong những công cuộc đắt tiền nhất trong lịch sử nước Mỹ. Toàn bộ hệ thống đường sá giữa các bang chỉ tiêu tốn 53 tỷ USD (năm 1972), chương trình vũ trụ đưa người lên Mặt trăng của Mỹ cũng chỉ tốn 25 tỷ USD. Sự hao tổn chiến phí này, cùng khủng hoảng dầu lửa 1973 góp phần đẩy Mỹ vào một thập niên suy thoái kinh tế đầy u ám.
7 Vũ khí sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam
Nam Cộng hòa (QLVNCH); của Quân đội nhân dân Việt Nam (QDNDVN), thường được phương Tây gọi là quân đội Bắc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Quân giải phóng), thường được gọi là Việt Cộng (VC); tất cả các đơn vị của quân đội Mỹ; các đồng minh của họ là Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Thái Lan và quân đội Philippine.
Gần như tất cả các lực lượng liên minh bao gồm QLVNCH và Úc được trang bị vũ khí của Mỹ, một số trong đó, chẳng hạn như M1 Carbine, đã được dùng để thay thế các loại vũ khí có niên đại từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Bắc Việt Nam, mặc dù thừa kế một sưu tập vũ khí của Mỹ, Pháp, và Nhật Bản từ Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Đông Dương , nhưng phần lớn được vũ trang và cung cấp bởi Trung Quốc , Liên bang Xô Viết , và của Khối Warsaw. Ngoài ra, một số vũ khí, như K-50M (một biến thể PPsh-41), và phiên bản "tự chế" của RPG-2 đã được sản xuất tại Việt Nam.
Năm 1969, quân đội Mỹ đã xác định được 40 loại súng trường /carbine, 22 loại súng máy, 17 loại súng cối , 20 súng trường không giật hoặc các loại ống phón tên lửa, 9 loại vũ khí chống tăng, và 14 vũ khí phòng không được sử dụng bởi quân đội mặt đất của tất cả các bên. Ngoài ra lực lượng chống cộng sản có 24 loại xe bọc thép và pháo tự hành, và 26 loại pháo và ống phóng tên lửa .
Vũ khí hóa học
Trong năm 1961 và 1962 chính quyền Kennedy được ủy quyền sử dụng hoá chất để tiêu diệt thảm thực vật và cây lương thực ở Nam Việt Nam. Giữa năm 1961 và năm 1967, không quân Mỹ đã rải xuống 12.000.000 US gallon chất diệt cỏ, chủ yếu là chất độc da cam (dioxin) trên 6.000.000 mẫu Anh (24.000 km ²) tán lá, cây và cây lương thực, ảnh hưởng đến 13% đất đai của miền Nam Việt Nam. Việc sử dụng thuốc diệt cỏ cũng được dùng để lái xe của dân thường đua vào khu vực kiểm soát của VNCH [2]. Năm 1997, một bài báo được xuất bản bởi Wall Street Journal báo cáo rằng nửa triệu trẻ em được sinh ra với dị tật liên quan đến dioxin, và những dị tật bẩm sinh ở miền Nam Việt Nam đã gấp bốn lần những người ở miền Bắc. Việc sử dụng chất độc da cam có thể đã trái với quy tắc quốc tế của chiến tranh lúc đó. Nó cũng lưu ý rằng rất có thể nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy sẽ là trẻ em. Một nghiên cứu năm 1967 do cục Nông học của Hội đồng khoa học Nhật Bản đã kết luận rằng 3.800.000 mẫu Anh (15.000 km ²) đất đã bị phá hủy, giết chết 1000 thường dân và 13.000 vật nuôi.
Vũ khí cá nhân
1. Vũ khí cận chiến (dao , lưỡi lê)
Randall No.1
Gerber Mark II
Lưỡi lê M1
Lưỡi lê M6
Lưỡi lê M7
KA-BAR (USMC)
Lưỡi lê KCB70 (chỉ sử dụng cho súng trường loại Stoner 63)
2. Súng ngắn (súng lục)
Súng lục FNH Browning H-P Mk III, được sử dụng bởi lực lượng Úc và New Zealand .
Smith & Wesson Mark 22 Mod.0 "Hush Puppy", súng lục được sử dụng bởi SEALs.
Súng lục Colt M1911A1 và các biến thể.
Colt Model 1903 Pocket Hammerless sử dụng bởi sĩ quan
Colt Commander
Smith & Wesson Model 15
Smith & Wesson 12 Model
M1917
High Standard HDM
Walther PPK với ống giảm thanh (lực lượng SOG)
Ruger MK II với ống giảm thanh (lực lượng Navy SEAL)
3. Súng trường, súng tiểu liên và shotgun
L1A1 Self Loading Rifle (SLR) - Được sử dụng bởi binh sĩ Úc và New Zealand tại Việt Nam
M1917 Enfield giới hạn sử dụng
Springfield M1903 giới hạn sử dụng
M1 Garand giới hạn sử dụng
M1 Carbine
M2 Carbine
Súng trường M14
XM16E1 và M16A1: phiên bản M-16 đầu tiên có vấn đề và được thay thế bằng M16A1. Sau năm 1968 đã được cấp cho lực lượng đặc biệt và sau đó bộ binh vào một hoặc hai năm sau đó.
XM177E2
M1A1 Thompson
M3 Greasegun
Carl Gustav M/45 của Thụy Điển
Smith & Wesson M76
Madsen M/50
Beretta M12
MAC-10
MP40 (CIDG)
Uzi (đội trinh sát SOG)
Owen Gun (súng tiểu liên Úc)
Súng tiểu liên F1 (của Úc, thay thế Owen Gun)
L2A1, một bản sao của Anh được sử dụng bởi lực lượng SASR của Úc cho việc giải cứu tù nhân và cũng được sử dụng với ống giảm thanh
T223 là một bản sao của Heckler & Koch HK33 theo giấy phép của Harrington & Richardson được sử dụng với số lượng nhỏ bởi Navy SEAL
Shotgun Winchester Model 1912
Shotgun Ithaca 37
Shotgun Remington 870
Shotgun bán tự động Remington 11-48
AC556 là một phiên bản tự động đầy đủ của mini ruger 14 chủ yếu được sử dụng bởi lực lượng đặc biệt
4. Súng bắn tỉa
Winchester Model 70 được sử dụng bởi lính bắn tỉa của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ
M-40 được sử dụng bởi lính bắn tỉa của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ
Springfield M1903A4
5. Súng máy (súng liên thanh)
L2A1 AR là phiên bản súng máy tự động của SLR L1A1 và được sử dụng bởi lực lượng ANZAC
Stoner M63a Commando & Mark 23 Mod.0 được sử dụng bởi US Navy SEALs và được thử nghiệm bởi đội Recon
M60 GPMG (General Purpose Machine Gun)
M1918A2 Browning Automatic Rifle, Caliber 0,30 được biết đến với tên gọi BAR
Súng máy hạng trung Browning M1919-A6
Súng máy hạng nặng Browning M2HB
6. Lựa đạn và mìn
Lựu đạn Mk.2
Mìn M-18A1 Claymore
Lựu đạn M61
Lựu đạn M-26
Lựu đạn khói M18
Lựu đạn khói WP M34
7. Súng phóng lựu và súng phun lửa
Súng phóng lựu M-79
Súng phóng lựu M203 được sử dụng vào cuối cuộc chiến bởi lực lượng đặc biệt.
Súng phóng lựu China Lake NATIC được sử dụng bởi Navy SEALs
Súng phóng lựu XM148
Súng phóng lựu tự động Mk.19
8. Súng phun lửa
Súng phun lửa M-1/M-2
Vũ khí hỗ trợ binh
Súng trường M18 recoilless 57mm
Súng trường M20 recoilless 75mm
Súng trường M67 recoilless 90mm
Súng trường M40 recoilless 106mm
Súng cối M19 60mm
Súng cối M29 81mm
Súng cối M30 107mm
M20 Super Bazooka được sử dụng chủ yếu bởi Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trước M72 LAW
M72 LAW
FIM-43 Redeye MANPADS (Man-Portable Air-Defend System)
Pháo
Pháo Pack Howitzer M1 75mm
Pháo M102 Howitzer 105mm
Pháo M2A1 Howitzer 105 mm
Pháo L5 (Aust) 105 mm
Pháo tự hành M109 155 mm
Pháo M107 Self-Propelled Gun 175 mm
Pháo tự hành M110
Đạn pháo
Phốt pho trắng "Willy Peter"
HE
Canister
Beehive
Máy bay chiến đấu và máy bay ném bom
Máy bay tấn công mặt đất A-1 Skyraider
Máy bay tấn công mặt đất A-37 Dragonfly
Máy bay tiêm kích sử dụng với vai trò là máy bay tấn công F-5 Freedom Fighter
Máy bay tấn công đa chức năng A-4 Skyhawk
Máy bay tấn công đa chức năng A-7 Corsair II
Trực thăng tấn công AH-1 Cobra
Gunship AC-47 Spooky
Gunship AC-130 "Spectre"
Gunship AC-119G "Shadow"
Gunship AC-119K "Stinger"
Máy bay ném bom hạng nặng B-52 Stratofortress
Máy bay ném bom hạng vừa B-57 Canberra - được sử dụng bởi Không quân Hoa Kỳ
Máy bay ném bom hạng vừa Canberra B.20 của Không quân Hoàng gia Australia
Máy bay kiêm kích-ném bom F-4 Phantom II
Máy bay kiêm kích-ném bom F-8 Crusader
Máy bay tiêm kích-ném bom F-105 Thunderchief
Máy bay tiêm kích-ném bom F-100 Super Sabre
Máy bay tiêm kích-ném bom/máy bay do thám F-101 Voodoo (RF-101)
Máy bay chiến đấu F-102 Delta Dagger
Máy bay chiến đấu F-104 Starfighter
Máy bay ném bom hạng trung F-111 Aardvark
Trực thăng vận tải/trực thăng trinh thám OH-6 Cayuse
Trực thăng vận tải/trực thăng trinh thám OH-58 Kiowa
Máy bay tấn công hạng nhẹ/máy bay quan sát OV-10 Bronco
Trực thăng UH-1 "Huey" với vai trò gunship (mô hình)
Máy bay hỗ trợ
Máy bay vận tải chiến thuật C-123 Provider
Máy bay vận tải chiến thuật C-130 Hercules
Máy bay vận tải chiến thuật C-141 Starlifter
Trực thăng UH-1 Iroquois
Trực thăng nâng hàng hạng vừa CH-47 Chinook
Máy bay vận tải chiến thuật C-5 Galaxy
Máy bay vận tải chiến thuật C-7 Caribou được sử dụng bởi Không quân Hoa Kỳ và Không quân Hoàng gia Australia
Trực thăng cứu hộ CH-46 Sea Knight
Trực thăng H-2 Seasprite
Trực thăng cứu hộ H-3 Sea King
Trực thăng vận tải hàng hóa/trực thăng vận chuyển UH-34 Seahorse
Trực thăng nâng hàng hạng vừa CH-53 Sea Stallion
Trực thăng nâng hàng hạng nặng CH-54 Skycrane
Trực thăng vận tải hàng hóa/trực thăng vận chuyển H-43 Huskie
Máy bay trinh sát O-1 Bird Dog
Máy bay trinh sát O-2 Skymaster
Máy bay tấn công hạng nhẹ và trinh sát OV-1 Mohawk
Vũ khí trên máy bay
M61 Vulcan, 20mm (gắn trên máy bay)
Minigun, 7,62mm (gắn trên máy bay và trực thăng)
M197 Gatling gun, 20mm
M60, 7,62mm (gắn trên trực thăng)
Phương tiện
M38A1 1/4 tấn
Ford M151 1/4 tấn Military Utility Tactical Truck (MUTT)
Dodge M37 3 / 4 tấn
Kaiser Jeep M715 1 1 / 4 tấn
Xe tải, vận chuyển hàng hóa/quân, 2 1 / 2 tấn
Xe tải, vận chuyển hàng hóa/quân, 5 tấn
Xe tải M520 Goer, 8 tấn, 4x4
Land Rover của lực lượng Úc và New Zealand
Xe chiến đấu bọc thép
Xe tăng
M-41 Walker Bulldog
M-48 Patton hạng trung
M-551 Sheridan, xe trinh sát thả từ máy bay, thường được coi là tăng hạng nhẹ
Centurion, xe tăng chiến đấu chính được sử dụng bởi quân đội Úc
Xe cuả Lục quân và Thủy quân Lục chiến
M-113 APC (Armored Personnel Carrier)
M113ACAV, xe bọc thép tấn công
M8 Greyhound, chỉ được sử dụng bởi QLVNCH
LVTP5 Landing Craft
M50 Ontos
Cadillac Gage V-100 Commando
Mark I PBRs (Patrol Boat River)
LARC-LX
BARC
AMTRAC'S, máy kéo lội nước của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ
M-114, xe trinh sát
M42 Duster (xe tăng hạng nhẹ M-41 với súng hải quân 2 nòng 40mm được đặt trên một tháp pháo mở)
[sửa]
Hải quân
Monitor
Swift Boat, (PCF) Patrol Craft Fast
ASPB, Assault Support Patrol Boat, (được gọi là thuyền Alpha)
PBR, Patrol Boat River, (tàu bằng sợi thủy tinh, đẩy bằng động cơ sinh đôi)
Xe vận chuyển hàng hóa, trang bị vũ khí tự động.
Xe tải mang súng quân sự, 2 1 / 2 tấn, và xe tải chở hàng 5 tấn với súng máy M45 Quadmount gắn ở phía sau
M16 với súng máy M45 Quadmount gắn ở phía sau
Xe jeep 1 / 4 tấn gắn với súng máy M-60
Land Rover với súng máy M60 đơn hoặc 2 nòng dùng bởi lực lượng Úc New Zealand
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng Miền Nam
Vũ khí cá nhân
Súng ngắn
K-54 (Tokarev TT-33)
K-59 (Makarov PM)
Súng lục bắn liên thanh Stechkin APS
Mauser C96
Nagant M1895
CZ 52
Nambu Pistol Pistol loại 14,8mm (chiếm từ tay quân Nhật) sử dụng bởi sĩ quan QDNDVN
Súng tiểu liên
PPSh-41 (bao gồm phiên bản cải tiến Type 50 không giấy phép của Trung Quốc và K-50M có giấy phép của Việt Nam)
PPS-43 (K-53)
M3 Gease
MAT-49 (Bao gồm phiên bản do Việt Nam cải tiến để dùng đạn 7,62 mm Tokarev)
Sten
PM-63
AK-47
AKS-47
AKM
AKMS
Súng trường
M-1 Garand
M-1/M-2 Carbine
K-44 (Mosin-Nagant M-44)
MAS-49
SVT-40
SVD Dragunov
SKS
K-63
K-68
Súng máy
DPM
Bren
RPD
RPK
M-60
Loại khác
Lựu đạn F1
Lựu đạn RG-42
Lựu đạn RGD-33
Súng phóng lựu M-79
Súng chống tăng tăng B-40 (RPG-2)
Súng chống tăng B-41 (RPG-7)
Súng phun lửa LPO-50
Vũ khí cộng đồng
Đại liên SG-43 7,62mm (K-53)
Trọng liên DShKM 12,7mm (K-63)
Đại liên Browning M1919 .30cal
Trọng liên Browning M2HB .50cal
Súng cối M-1 60mm
Súng cối M-2 81mm
Súng cối M1937/1943 82mm
Súng cối Type-53 82mm
Súng không giật M-18 57mm
Súng không giật SPG-9 73mm
Súng không giật M-20 75mm
Súng không giật B-10 82mm
Súng không giật M-40 105mm
Pháo binh
Pháo ZIS-2 57mm
Pháo ZIS-3 76,2mm
Pháo D-44 85mm
Pháo BS-3 100mm
Pháo M-101/M-102 105mm
Pháo M-30 122mm
Pháo D-74 122mm
Pháo M-46 130mm
Pháo D-20 152mm
Pháo M-1 155mm
Súng cối M1938 120mm
Súng cối M1943 160mm
Pháo phản lực H-6 75mm
Pháo phản lực A-12 140mm
Pháo phản lực ĐKZB/ĐKZC 122mm
Pháo phản lực BM-14, BM-21
Pháo phản lực Type-63 107mm (H-12)
Tên lửa chống tăng có điều khiển AT-3 Sagger (B-72)
Phòng không
Trọng liên ZPU-4 14,5mm
Pháo cao xạ ZU-23 23mm
Pháo cao xạ ZU-23-2 23mm
Pháo cao xạ 72K M1940 25mm
Pháo cao xạ 61K M1939 37mm
Pháo cao xạ Bofors M-1 40mm
Pháo cao xạ S-60 M1950 57mm
Pháo cao xạ KS-12 M1939 85mm
Pháo cao xạ Flak37/41 88mm
Pháo cao xạ M-1/M-2 90mm
Pháo cao xạ KS-19 M1949 100mm
Tên lửa đất đối không SAM-2
Tên lửa đất đối không SA-3 Goa
Tên lửa đất đối không vác vai SA-7 Grail (A-72)
Xe tăng - thiết giáp
Xe tăng
T-34/85
T-54/55
Type-59 (T-59)
Xe tăng lội nước PT-76
Xe tăng lội nước Type-63 (PT-85 hoặc K-63-85)
M24 Chaffee
M41 Walker Bulldog
M48 Patton
Xe thiết giáp
Pháo tự hành ASU-76
BMP-1/BMP-2
BTR-40
BTR-50
BTR-60
BTR-152
Type-63 (K-63)
M-113
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4_Shilka
Máy bay
MiG-21
MiG-19
MiG-17
AN-2
Mi-8
Các vũ khí cho lực lượng không chính quy
Súng bộ binh
Arisaka
M1 Garand rifle
M1 carbine
Springfield M1903 bolt-action rifles
MAS-36
MAS-49
MAT-49
MP40
PPS-43
Swedish K
Mosin-Nagant
Mauser Karabiner 98k
8 Chiến tranh Việt Nam trong văn hoá đại chúng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét